Một nhóm người trẻ tuổi phản đối lệnh phong toả ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 31-10 - Ảnh: REUTERS
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học danh tiếng The Lancet đã chỉ ra rằng tất cả các quốc gia từ những đảo quốc nhỏ bé tới những cường quốc đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.
Theo báo cáo thường niên lần thứ 5 của tạp chí The Lancet về mối liên quan giữa y tế và khí hậu, các yếu tố như nắng nóng gay gắt, ô nhiễm không khí và hoạt động nông nghiệp dày đặc cùng kết hợp đã gây ra "viễn cảnh y tế cộng đồng tồi tệ chưa từng có".
Khảo sát cho thấy trong 2 thập kỷ vừa qua, số ca tử vong do thời tiết ở người cao tuổi tăng 54%. Tính riêng trong năm 2018, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người.
Theo nhóm tác giả nghiên cứu, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão nhiệt đới hiện vẫn là vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển, khí hậu khắc nghiệt cũng gây thiệt hại nặng nề về y tế ở các quốc gia giàu có.
Báo cáo cho biết năm 2018, riêng Pháp đã có hơn 8.000 ca tử vong do thời tiết ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi, gây thiệt hại về kinh tế tương đương 1,3% Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) cùng năm của nước này.
Ian Hamilton, tác giả chính của báo cáo, cho rằng các mối đe dọa tới sức khỏe con người đang nhân rộng và gia tăng do biến đổi khí hậu và trong tương lai, nếu tình hình không thay đổi, các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ đứng trước nguy cơ quá tải.
Nắng nóng và hạn hán cũng khiến số vụ cháy tăng đáng kể. Báo cáo cho biết kể từ đầu thập niên 2000, số người bị thương, thiệt mạng hoặc phải di dời chỗ ở do các vụ cháy có xu hướng tăng lên tại 128 quốc gia.
Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng vì khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hoạt động nông nghiệp và phương tiện giao thông chưa được kiềm chế, có thể khiến 565 triệu người phải sơ tán vào năm 2100, và khiến đẩy những người này vào nguy cơ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết với hơn 9 triệu người chết mỗi năm do khẩu phần ăn không đảm bảo, tỉ lệ tử vong do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ cũng tăng đến 70% chỉ trong 30 năm qua. Năm 2017, Pháp có ít nhất 13.000 ca tử vong do sử dụng thịt đỏ, trong tổng số 90.000 người tử vong do khẩu phần ăn không đảm bảo.
Nhóm tác giả cảnh báo tình trạng đô thị hóa, gia tăng hoạt động nông nghiệp, du lịch hàng không và sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể khiến các đại dịch trong tương lai như COVID-19 xuất hiện nhiều hơn.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi hành động khẩn cấp giảm thiểu khí thải nhà kính, nhằm ngăn chặn các tác động xấu do biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng.
Tổng biên tập tạp chí The Lancet Richard Horton nhấn mạnh cần xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm túc, cũng như thúc đẩy cảnh báo về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái và tăng cường các hệ thống tự nhiên hỗ trợ con người.
Báo cáo được thực hiện gần thời điểm kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ra đời, nhằm kêu gọi các nước góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thông qua việc cắt giảm khí thải nhà kính.
Mặc dù các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại có thể làm giảm khí thải nhà kính trong năm nay, song vẫn còn nhiều lo ngại về việc các nước sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Hai cô gái trẻ chụp ảnh selfie lưu niệm ở công viên Hanam, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Max Sprick cảm thấy cái chết đến thật gần. Sáu ngày sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, chàng trai 33 tuổi vốn khỏe mạnh chỉ còn là một thân xác tàn tạ.
"Cảm giác mệt mỏi này tôi chưa từng trải qua trong đời. Tôi phải hít thở rất mạnh mới cảm nhận được luồng không khí đi vào phổi. Khủng khiếp nhất là lúc trước khi ngủ, tôi sợ mình sẽ không thở đủ (để sống sót)", Max tâm sự trên tờ SCMP của Hong Kong.
Sức khỏe tương lai bị đe dọa
Trước khi đổ bệnh, chàng trai sống ở Munich (Đức) không mấy lắng về con virus mới. Ngay từ đầu các bác sĩ nói căn bệnh này chỉ gây nguy hiểm cho người già, còn anh thì trẻ khỏe, mỗi tuần có thể chạy bộ đến 130km.
Bây giờ thì ngược lại, Max thậm chí không thể đi bộ một quãng ngắn mà không phải dừng lại để lấy hơi. Đây quả là cú sốc lớn đối với một vận động viên nghiệp dư.
"Tôi phải thừa nhận tôi đã đánh giá thấp con virus. Trước đây tôi có thể chạy hàng km, còn bây giờ mỗi bước chân là một thử thách. Tôi không thể đi từ phòng ngủ sang nhà bếp mà không phải ngồi xuống, nghỉ và thở", Max trải nỗi lòng.
Max là một trong hơn 20 triệu người nhiễm COVID-19 ở châu Âu. Nhiều ca nhiễm đầu tiên của châu lục này có liên quan đến một ổ dịch lớn ở thị trấn trượt tuyết Ischgl ở Áo, hàng trăm du khách đã nhiễm ở đó rồi phát tán virus đi khắp nơi khi họ về nhà.
Cô Elisabeth Schmitten - biên tập viên sách người Đức, bị nhiễm ở thị trấn Tyrol gần Ischgl.
"Ngày thứ 5 của kỳ nghỉ, chị em tôi cảm thấy giống như bị cảm. Ngoài ho và chảy nước mũi không có gì nghiêm trọng hơn nên chúng tôi không lo lắng. Thời điểm đó COVID-19 có vẻ như rất xa xôi", cô nhớ lại.
Elisabeth xét nghiệm dương tính với COVID-10 khi trở về Đức và phải mất 5 tuần lễ mới hồi phục. Giống nhiều người khác, cô không chắc đã nhiễm virus từ nguồn nào, và sức khỏe trong tương lai sẽ ra sao.
"Chúng tôi ngờ là đã nhiễm bệnh trong một quán bar ở khu trượt tuyết, nhưng không chắc lắm. Điều làm tôi lo lắng bây giờ là dù đã 7 tháng trôi qua, tôi thỉnh thoảng vẫn bị khó thở, hô hấp của tôi đã thay đổi, dù ít nhưng có thể nhận ra. Tôi không còn chơi thể thao khỏe như trước nữa", cô cho biết.
Sau này nếu đại dịch có thể được kiểm soát, khám phá những bí mật y khoa liên quan đến con virus này là nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với phát minh ra vắc xin.
Ở bang Bavaria của Đức, nơi thủ hiến Markus Soder được xem là hình mẫu lãnh đạo tốt có tiềm năng kế vị Thủ tướng Angela Merkel, sự thiếu chuẩn bị cũng khiến một người dân như Max thấy bị sốc.
"Khi bạn tôi xét nghiệm dương tính, cậu ta khai báo có đi chơi với tôi, nhưng giới chức y tế mất đến 4 ngày để báo tôi biết thông tin này. Tôi có thể đã đi lây khắp nơi trong 4 ngày nếu như bản thân không tự giác ở nhà.
Trong đợt phong tỏa hồi mùa xuân, tôi làm theo mọi hướng dẫn, ngồi ở nhà, không gặp gỡ ai. Nhưng rồi mùa hè đến, khi số ca nhiễm giảm, bầu không khí ấm áp và đầy nắng, tôi ít quan tâm hơn... Do bản thân đã nhiễm, bây giờ tôi chỉ biết cố cảnh báo mọi người", Max giãi bày.
Người Đức được khuyến cáo giãn cách xã hội nhưng không cấm các hoạt động ăn uống diễn ra - Ảnh: DPA
Những năm về sau sẽ là hiện thực mới
Từ chỗ "dị ứng" với việc đeo khẩu trang như dân châu Á, dân châu Âu bây giờ đã dần chấp nhận. Họ bớt tụ tập ở quán rượu, thay vào đó tìm kiếm công thức đồ uống trên Youtube, thay vì đi làm mỗi ngày thì giờ họ làm từ xa qua ứng xũng Zoom, doanh nghiệp thì giảm thuê mướn văn phòng...
Thay đổi đang diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi thế hệ, mọi vùng miền của châu Âu và cả thế giới.
"Quy tắc xã hội đã thay đổi vì đại dịch - thậm chí bắt tay lúc gặp nhau cũng trở nên bất khả thi. Tôi thấy khoảng cách giữa người và người trở nên lớn hơn, chúng ta trở nên nghi ngờ lẫn nhau và điều này không tốt chút nào", cô Elisabeth Schmitten chia sẻ.
Đối với nhiều người khác, những thay đổi năm 2020 mang lại đi kèm với cái giá quá đắt.
Hồi cuối tháng 3, khi Pedro nhận cuộc gọi từ người cha than rằng ông bị khó thở và sốt, anh vội vã bắt xe chạy về quê ở Barcelona, Tây Ban Nha.
45 phút sau, anh nhìn thấy cha lần cuối cùng trong đời - lúc ông cụ 76 tuổi được nhân viên y tế mặc trang phục bảo vệ kín khiêng ra xe cấp cứu.
Ông cụ được chẩn đoán mắc COVID-19, viêm cả hai lá phổi. Hai tuần trước lễ Phục sinh - 6 ngày sau cuộc gọi cho con trai - ông qua đời, không có cơ hội nào nói lời chia tay với gia đình.
"Tôi thường xuyên tưởng tượng ra cảnh chết một mình trong căn phòng bệnh viện, không có cách nào gặp người thân yêu.
Tin tức và tivi không giúp ích gì, cả ngày câu chuyện chỉ là lây nhiễm, cái chết, bệnh viện sụp đổ... Nỗi sợ hãi chúng tôi trước đây chỉ coi trên phim ảnh đã trở thành thực tế trong năm 2020, trên khắp thế giới", Pedro nói về cái chết của cha anh.
TTO - Nam Cực đã không còn là lục địa duy nhất “miễn nhiễm” COVID-19 sau khi 36 người Chile ở đây được phát hiện nhiễm bệnh.
Xem thêm: mth.72874115122210202-oc-gnut-auhc-et-iot-gnod-gnoc-et-y-hnac-neiv-tam-iod-iougn-iaol/nv.ertiout