Học sinh Nam Định tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại tỉnh này ngày 26-12 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ngày 26-12, gần 5.000 học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Nam Định. Bên cạnh phiên tư vấn chính thức, 40 gian tư vấn riêng của các trường là cơ hội cho nhiều học sinh giải đáp băn khoăn chọn ngành nghề.
Đáng lưu ý, COVID-19 khiến khá nhiều học sinh ở Nam Định lo lắng khi lựa chọn nghề nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp.
Thay đổi phương thức làm việc
PGS.TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - khi tư vấn về ngành du lịch khách sạn đã chia sẻ COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các ngành quản trị khách sạn, du lịch... Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực này ở một số quốc gia đã phải đóng cửa.
"Dù vậy, các em hãy nhìn nhận lạc quan hơn. Vì COVID-19 có thể khiến một số ngành nghề gặp khó khăn nhưng lại là yếu tố tác động đến việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế, phương thức kinh doanh. Hoạt động kinh tế và kinh doanh luôn luôn là lĩnh vực thiết yếu" - cô Vũ Thị Hiền trao đổi.
Theo cô Hiền, những chuyển dịch về cấu trúc ngành nghề thay đổi như thế nào lệ thuộc vào cách ta thích ứng với khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Nên khi học một ngành nào đó, ngoài kiến thức, điều cần thiết hiện nay là sinh viên cần bổ sung kỹ năng mềm. Đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống tác động khách quan để có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc.
TS Nguyễn Đào Tùng - phó giám đốc Học viện Tài chính - cho rằng với bối cảnh hiện nay các ngành kỹ thuật, công nghệ đang được thí sinh quan tâm hơn. Nhưng khi khối ngành kinh tế đang ứng dụng công nghệ 4.0 mạnh mẽ thì vẫn là lĩnh vực có tiềm năng thu hút nhân lực trong tương lai.
Ông Nguyễn Đào Tùng đưa ra thông tin khiến nhiều học sinh ở Nam Định quan tâm. Đó là các ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, CNTT trong thời điểm vài năm tới vẫn "hot" vì mọi người làm trong lĩnh vực này có thể làm việc từ xa.
"Nhưng các em cũng đừng quay lưng với các ngành quản trị khách sạn, du lịch nhé. Trong các năm tôi nghĩ Chính phủ sẽ chú trọng nhiều hơn để khuyến khích các ngành này phát triển, khắc phục với thiệt hại từ dịch bệnh. Vì thế nhu cầu nhân lực có thể vẫn nhiều"- TS Nguyễn Đào Tùng tư vấn.
Em có chứng chỉ HSK 6 tiếng Trung. Nếu nộp vào Trường ĐH Ngoại thương, ngoài ngành ngôn ngữ Trung liệu em có được tuyển thẳng vào ngành kinh tế đối ngoại không?
Phương Quỳnh (học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định)
HSK 6 là chứng chỉ ở mức cao nhất trong thang đo về năng lực tiếng Trung. Em có thể nộp vào ngành ngôn ngữ Trung, chuyên ngành tiếng Trung thương mại. Chứng chỉ này không thể dùng để xét thẳng vào ngành kinh tế đối ngoại. Nhưng với năng lực của em, nếu đầu tư sẽ có cơ hội vào ngành này.
PGS.TS Vũ Thị Hiền (trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương)
Tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh
TS Nguyễn Thị Cúc Phương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - chia sẻ một thông tin rất quan trọng là có điểm IELTS cao chưa chắc đã đậu mà thí sinh phải lưu ý xem ngoài IELTS ra còn điều kiện khác không.
"Điểm IELTS như vé gửi xe thôi. Còn các điều kiện khác thì mới bước vào trường được" - cô Phương ví dụ vui về tình hình tuyển sinh với sự đa dạng hóa các phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học hiện nay.
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết quả học tập ở bậc THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, bài kiểm tra năng lực do cơ sở đào tạo thiết kế, kết quả phỏng vấn trực tiếp... là những yếu tố để nhiều cơ sở đào tạo năm nay sử dụng trong tuyển sinh.
"Trường có thể kết hợp chứng chỉ IELTS với kết quả học tập, kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Ngoài ra các trường sẽ xét theo điểm IELTS từ cao xuống thấp. Vì thế thí sinh cần tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh của từng trường, nhất là các điều kiện cần để tránh trường hợp trượt oan khi quá yên tâm mình đã thi đậu, không đăng ký xét tuyển bổ sung" - cô Cúc Phương tư vấn.
Đại diện của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính có mặt tại chương trình tư vấn cũng cho biết sẽ có nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng trong năm 2021...
Quan tâm đến học nghề
Đến dự chương trình, nhiều học sinh bày tỏ nguyện vọng muốn đăng ký học nghề. Tuy nhiên lại chưa biết nên theo chuyên ngành nào để có cơ hội nghề nghiệp và đảm bảo đầu ra phù hợp với nhu cầu của nguồn lực lao động.
Em Đinh Vũ Thảo Nguyên (Trường THPT Nguyễn Khuyến, Nam Định) chia sẻ: "Em không muốn học đại học mà muốn học nghề trong thời gian ngắn hơn và đi làm sớm cho nên em đến đây để tham khảo xem có nghề nào đào tạo sát sao với thực tế, cơ hội việc làm cao". Tại gian tư vấn Trường CĐ kỹ thuật - công nghệ Bách khoa, nhiều học sinh đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo nghề tại trường và đâu là nghề hot nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra nhất hiện nay.
Giải đáp thắc mắc này, anh Hà Ngọc Anh, giảng viên Trường CĐ kỹ thuật - công nghệ Bách khoa, cho biết: "Tại trường có nhiều ngành đào tạo như công nghệ ôtô, tin học ứng dụng phần mềm, thiết kế đồ họa, cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí... đều là những ngành thu hút nhân lực và đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trường có kết nối với các doanh nghiệp, chuyên cung ứng cho 52 doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi...".
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cùng các cơ quan, đơn vị ở Nam Định phối hợp tổ chức. Sáng nay 27-12, chương trình sẽ đến với học sinh Hải Phòng tại Trường ĐH Hàng hải (TP Hải Phòng).
Tuyển sinh ổn định như năm trước
Tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - khẳng định định hướng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020.
Theo ông Hùng, thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng. Sau khi có kết quả thi, thí sinh có quyền thay đổi. Để có lựa chọn đúng, các em cần tìm hiểu thông tin về phương án tuyển sinh của từng trường. Và hãy đặt ưu tiên những nguyện vọng mà các em yêu thích nhất, muốn được đăng ký học nhất.
"Nếu đậu ở nguyện vọng nào, các em sẽ dừng ở nguyện vọng đó. Nếu không đậu nguyện vọng xếp ưu tiên trước thì phần mềm mới cho phép các em xét tuyển tiếp các nguyện vọng sau" - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, với cơ chế đào tạo linh hoạt hiện nay, sinh viên có thể học song ngành trong quá trình học tập. Vì thế, cơ hội để điều chỉnh hướng chọn nghề nghiệp vẫn có thể thực hiện với các quy định mềm dẻo hơn.
TTO - Lần đầu tiên diễn ra tại Nam Định, chương trình tư vấn tuyển sinh thu hút gần 5.000 học sinh lớp 11 và 12. Cùng với phiên tư vấn chính thức, chương trình có sự tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng với trên 40 gian tư vấn.
Xem thêm: mth.35930342262210202-ert-nab-auc-hnagn-nohc-yl-mat-gnod-cat-91-divoc/nv.ertiout