Trong một chia sẻ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết trong giai đoạn bùng phát COVID-19 đợt 1 khi hàng loạt show bị hủy, anh đã livestream bán hàng để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên có một điều được nghệ sĩ này tiết lộ, có lúc cảm thấy buồn, chạnh lòng, thậm chí xấu hổ vì một số người xem đã bình luận đại ý rằng “Đàm Vĩnh Hưng mà cũng livestream bán hàng sao”...
Nhưng rồi ca sĩ vẫn thực hiện. Với một ca sĩ nổi tiếng có khối tài sản không nhỏ như Đàm Vĩnh Hưng, livestream bán hàng không hẳn để làm giàu, mà đúng hơn là để có thêm nguồn kinh phí làm công tác từ thiện, như hỗ trợ đồng bào vùng ngập mặn ở ĐBSCL, xây cầu…
Hơn bất cứ lúc nào hết, thời gian nền kinh tế, thương mại bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, livestream bán hàng lại trở thành một kênh, ngành thương mại phát huy được hiệu quả, và thậm chí mang lại thu nhập cho không ít người, cả những người nổi tiếng, hoạt động trong giới showbiz.
Ở Trung Quốc, trong dịch COVID-19, chính là khoảng thời gian không ít diễn viên, người mẫu đã “vụt sáng” trở thành “ngôi sao livestream bán hàng” với thu nhập lên đến hàng triệu USD khi mỗi ngày chốt được tới hàng ngàn đơn hàng. Livestream bán hàng đã phát triển lên thành “Live Commerce”, một hình thức kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử. Theo thống kê, tại Việt Nam hiện nay, mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng với khoảng 50.000 nhà cung ứng hàng hóa.
Đàm Vĩnh Hưng “chạnh lòng, cảm thấy xấu hổ” là vì những lời bình luận thiếu tính động viên và thiếu thiện chí. Còn trên thực tế, livestream bán hàng hiện nay đã trở thành một ngành nghề, kênh kinh doanh hái ra tiền đối với không ít người. Thậm chí có thể nói, livestream bán hàng đã trở thành một ngành công nghiệp bán hàng, đặc biệt phát triển mạnh ở Trung Quốc và một số quốc gia trên thế giới.
Từ mạng xã hội, bản chất là một nền tảng truyền thông số, đã được ứng dụng để livestream bán hàng, chính là một bước mở rộng phạm vi, ngành nghề hoạt động góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh và nhanh hơn.
Hiện bình quân mỗi ngày tại Việt Nam xuất hiện từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Song gần đây, các website thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… cũng mở ra cơ hội khi cung cấp nền tảng cho nhiều chủ shop, doanh nghiệp livestream bán hàng.
Bán hàng qua phương thức livestream hoàn toàn có thể làm giàu và trở thành triệu phú đôla trong tầm tay, không có gì phải xấu hổ cả. Ngay cả Đàm Vĩnh Hưng, sau những giờ phút đầu chưa quen với những lời nhận xét thiếu động viên, rồi cũng dần quen, khi chốt được đến 12.000 đơn hàng.
Ngành công nghiệp livestream bán hàng đang mang lại cơ hội việc làm và kiếm tiền cho hàng triệu người Việt. Có thể xem đó là một ngành nghề mới, một mô hình kinh doanh mới hướng vào các cá nhân, gia đình, không phải trực bán hàng suốt 24 giờ mỗi ngày, mà ngược lại hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt về thời gian.
Từ câu chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ, cho thấy về mặt nhận thức có thể bị tác động bởi dư luận, đặc biệt là những ý kiến phiến diện và lạc hậu có thể khiến chúng ta vuột đi những cơ hội việc làm và kiếm tiền chính đáng.
Xem thêm: odl.036568-neit-meik-ioh-oc-al-od-oh-uax-gnud-gnah-nab-maertsevil/et-hnik/nv.gnodoal