Cần sự đồng thuận của người dân
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP - cho biết việc thực hiện kiểm soát xe thô sơ 3, 4 bánh thời gian qua cũng có một số kết quả nhất định. Nhiều người dân được hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề, có cuộc sống tốt hơn.
Qua thời gian, xe này lại xuất hiện, thêm xe mới. Loại xe này chủ yếu hoạt động khu vực giáp ranh gần chợ đầu mối, khu giáp ranh TP. TP đã yêu cầu rà soát chuyển đổi từng bước, tiến tới cấm lưu thông mà không ảnh hưởng đột ngột tới một bộ phận người dân.
TP chỉ đạo địa phương tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở sửa chữa đóng mới để khống chế "tận gốc". Trong quá trình xây dựng đề án mà TP sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Một TP hiện đại, văn minh không thể để xe thô sơ tự chế rong ruổi trên đường, tiềm ẩn tai nạn. Nhưng muốn kiểm soát loại xe này ngoài các chế tài, xử lý cũng cần có sự đồng thuận từ người dân. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ không còn xe thô sơ 3, 4 bánh hoạt động trên địa bàn TP.
Giải quyết nhanh trong 1-2 năm thôi!
Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP (nguyên trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP) - đánh giá một trong những nguyên nhân khiến xe thô sơ còn tồn tại là do chưa chặn được phần "gốc".
Giai đoạn 2008-2009, khi Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc này, đã có quy định xử lý các cơ sở sản xuất, mua bán các loại xe 3 bánh. Đến nay, nếu số xe 3 bánh còn tới 30.000 xe, điều đó có nghĩa là chứng tỏ hơn 10 năm qua việc xử lý vẫn chưa nghiêm.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất cần xây dựng đề án kiểm soát, trong đó chú ý hỗ trợ người dân nghèo, thu nhập thấp. Bởi đây là vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, trước mắt TP cần phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc lại tình hình thực hiện các quy định đình chỉ loại xe thô sơ 3, 4 bánh hơn 10 năm qua.
Trước đây, ngân sách TP đã chi hơn trăm tỉ đồng hỗ trợ người sử dụng xe này không lâm vào đường cùng! Kiểm điểm rồi chúng ta mới tiến hành các bước tiếp theo tránh tình trạng tốn tiền mà không xử lý được triệt để. Về lộ trình, tôi cho rằng cần giải quyết gói gọn trong vòng 1-2 năm thôi, chứ không thể để kéo dài thêm nữa" - ông Tính nói.
Xem thêm: mth.69705952262210202-oas-yl-ux-mchpt-ehc-ut-hnab-4-3-ex-00003/nv.ertiout