Dựa theo hệ thống phân chia chủ đạo của quân đội Trung Quốc thời cổ đại, lực lượng quân sự của các vương triều xưa về cơ bản có thể chia ra thành bộ binh, kỵ binh, thủy quân…
Trong số đó, có không ít triều đại còn thiết lập các đội binh chủng đặc thù. Và vương triều nhà Thanh cũng không phải ngoại lệ.
Trên phương diện quân sự nói riêng, điểm đặc biệt của nhà Thanh nằm ở chỗ giai đoạn mà vương triều này trị vì thuộc về thời kỳ quá độ giữa vũ khí nóng và vũ khí lạnh của thế giới.
Vì vậy, việc bố trí binh chủng của họ cũng có sự giao thoa giữa cái mới và cái cũ. Ví dụ như bên cạnh những cung thủ, kỵ binh, thủy binh truyền thống sẽ còn có thêm lính bắn súng, pháo thủ, hải quân kiểu mới…
Thế nhưng ít ai biết rằng, Thanh triều còn từng thiết lập một đội binh chủng vô cùng đặc biệt mang tên là "Phi hổ thủ". Đây được xem là một trong số những đội ngũ lợi hại nhất, đồng thời cũng đáng sợ bậc nhất của vương triều này.
Cuộc chiến ở vùng Lưỡng Kim Xuyên và sự ra đời của "Phi hổ thủ"
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Theo Qulishi, sự thành lập của "Phi hổ thủ" có liên quan trực tiếp tới 2 chiến dịch bình định Kim Xuyên vào thời Càn Long.
Cụ thể là vào năm Càn Long thứ 12 và năm Càn Long thứ 36, vùng đất phía Tây Nam tiếp giáp với đất Lưỡng Kim Xuyên xảy ra phản loạn. Vì vậy, Hoàng đế Càn Long buộc phải liên tiếp phái đại quân tới khu vực này.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người không thể tưởng tượng được lại nằm ở chỗ, quân Thanh dù chiếm được ưu thế tuyệt đối về số lượng, trang bị, hậu cần… nhưng vẫn chiến đấu một cách hết sức khó khăn, thậm chí có lúc còn bị đánh bại và gánh chịu thương vong trầm trọng.
Thế cục bất lợi này đã khiến cho Càn Long vô cùng sốt ruột. Vị Hoàng đế ấy cũng vì vậy mà tìm mọi cách để hóa giải tình hình khi đó.
Ảnh minh họa.
Kết quả là ông đã phát hiện được một điểm hết sức trọng yếu: Địa hình ở đất Lưỡng Kim Xuyên núi non trùng điệp, địa thế hiểm trở. Quân phản loạn lợi dụng điều này liền chiếm đóng ở khe núi hiểm trở, xây dựng nhiều lầu gác sừng sững.
Những lầu canh này đều được đắp bằng đá xanh vô cùng kiên cố, vững chắc, tương truyền rằng có lầu còn cao tới xấp xỉ 50 mét.
Trên lầu gác còn được trang bị nhiều lỗ bắn. Vì thế quân lính Kim Xuyên coi giữ ở đây gần như là bất khả xâm phạm.
Thậm chí nếu họ bắn tên từ bên trong để tấn công ra phía bên ngoài, quân Thanh cũng không cách nào chống trả lại.
Chưa dừng lại ở đó, một lầu canh như vậy có thể sở hữu tầm nhìn bao quát trong phạm vi hàng dặm.
Đặc biệt, cứ 10 lầu canh lại có thể kết hợp với nhau tạo thành một tấm lưới hỏa lực khiến cho quân Thanh chịu vô số thương vong.
Sau nhiều lần cùng các đại thần nghiên cứu, thảo luận đối sách, Càn Long đã quyết định dùng chiến thuật mang tên "Vân thê công điêu", tức là dùng xe thang để công phá những lầu canh như vậy.
Theo đó, Hoàng đế liền hạ chỉ thiết lập một cơ quan gọi là "Vân thê kiện nhuệ doanh", nơi chuyên đào tạo đội binh chủng lợi dụng xe thang để tấn công quân địch.
Với sự ra đời của cơ quan này, "Phi hổ thủ" cũng đã được thành lập và trở thành một trong những đội ngũ chủ lực trong chiến dịch bình định Lưỡng Kim Xuyên.
Những rủi ro đáng sợ mà đội binh chủng khét tiếng Thanh triều phải đối mặt trong mỗi lần làm nhiệm vụ
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Sở hữu vai trò đặc biệt trong trận chiến ở Kim Xuyên, có thể nói "Phi hổ thủ" là biệt đội binh chủng vô cùng lợi hại nhưng đồng thời cũng là những người phải gánh chịu rủi ro và khả năng thương vong vô cùng cao.
Theo bố trí của Thanh triều, khi ra trận, quân đội sẽ đẩy những chiếc xe thang với chiều cao lên tới 10 mét về các phía lầu gác của quân địch.
Trong quá trình xe thang tiếp cận được với mục tiêu, khoảng 10 binh lính thuộc đội "Phi hổ thủ" đã được bố trí sẵn trên mỗi xe sẽ nhanh chóng dùng cả tay lẫn chân để leo lên đỉnh lầu gác.
Những người này trên lưng đã đeo sẵn nhiều loại vũ khí và dụng cụ phục vụ cho công việc leo thành cũng như tấn công quân địch.
Khi đã lên tới đỉnh lầu, họ sẽ lập tức tìm cách nhảy vào các buồng gác và nhanh chóng thủ tiêu quân lính coi giữ tại đây.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Và để có thể thực hiện lưu loát hàng loạt nhiệm vụ nguy hiểm nói trên, những người trong hàng ngũ "Phi hổ thủ" chẳng những phải sở hữu thể lực vượt trội mà còn phải có thân thủ phi phàm.
Đó là chưa kể tới việc họ đều phải trải qua quá trình huấn luyện đầy gian khổ và nghiêm khắc trước khi có thể xông pha ra chiến trường.
Thế nhưng trên thực tế, "Phi hổ thủ" là những người chịu nhiều rủi ro nhất mỗi khi ra trận.
Trong quá trình leo lên lầu gác hay nhảy từ đỉnh lầu vào buồng gác, chỉ một bước chân sơ sẩy, họ hoàn toàn có thể bị ngã xuống từ độ cao hàng chục mét, nhẹ thì thương tật, nặng thì tàn phế, mất mạng.
Không chỉ vậy, những người trong đội binh chủng này cũng là mục tiêu công kích hàng đầu của quân địch. Vì thế tỉ lệ thương vong, hy sinh của họ luôn là vô cùng cao.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Vào thời bình, các "Phi hổ thủ" cũng đảm nhiệm một nhiệm vụ mang tính nguy hiểm khác. Đó chính là cứu hỏa.
Mỗi khi có nhiệm vụ, những chiếc xe thang của họ sẽ trở thành những chiếc xe cứu hỏa. Và các binh lính thuộc đội quân này sẽ chịu trách nhiệm leo lên nóc nhà để dập lửa, cứu người.
Rủi ro đáng nói nằm ở chỗ, trước khi nóc nhà sụp xuống, họ phải nhanh chóng tìm mọi cách để thoát thân, nếu không sẽ dễ dàng mất mạng trong biển lửa.
Cứ như vậy, "Phi hổ thủ" trở thành biệt đội binh chủng gắn liền với những chiếc xe thang, dù là thời bình hay thời loạn cũng luôn nỗ lực bán mạng cho triều đình bất chấp mọi rủi ro, nguy hiểm.
Và phải tới khi Thanh triều diệt vong, cùng với sự sụp đổ của "Vân thê kiện nhuệ doanh", đội binh chủng đặc biệt này mới biến mất khỏi vũ đài lịch sử Trung Hoa.
*Dịch từ báo nước ngoài
Trần Quỳnh
Pháp luật và bạn đọc