Khi đó, Warren Buffett chỉ mới 24 tuổi và vừa gia nhập Graham-Newman – 1 quỹ đầu tư ở New York do Benjamin Graham đồng sáng lập. Các sếp của Warren Buffett ở thời điểm ấy đã chú ý tới Rockwood & Company – nhà sản xuất chocolate tại Brooklyn, khi công ty này đưa ra lời đề nghị khá kỳ lạ cho nhà đầu tư. Quỹ đầu tư đã cử Warren Buffett đến cuộc họp cổ đông của Rockwood để tìm hiểu thêm.
Jay Pritzker – thành viên của gia tộc danh tiếng và quyền lực Priztker, là người điều hành Rockwood. Ở thời điểm đó, giá hạt cacao đã tăng vọt từ 5 cent/pound lên tới 60 cent do tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời và Pritzker muốn tận dụng cơ hội này bằng cách bán ra hàng tồn kho không sử dụng đến của Rockwood. Tuy nhiên, thương vụ mua bán này có thể sẽ phải chịu mức thuế gần 50% cho số tiền thu được. Do đó, vị giám đốc điều hành đã nghĩ ra một bước đi khôn ngoan để né thuế.
Sau đó, Pritzker giải thích với Warren Buffett tại cuộc họp rằng một điều khoản phức tạp trong Bộ luật thuế năm 1954 là chìa khóa cho kế hoạch của ông – nội dung mà vị chủ tịch của Berkshire đã kể lại trong lá thư gửi cổ đông năm 1988 và 2007. "Lỗ hổng" trong đó cho phép 1 công ty có thể né thuế khi họ phân phối hàng tồn kho cho cổ đông do thu hẹp phạm vi hoạt động.
Tận dụng quy tắc đó, Rockwood ngừng bán bơ cacao và giao 13 triệu pound hạt cacao tồn kho để tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Sau đó, nhà sản xuất bánh kẹo đã đề nghị mua lại cổ phiếu quỹ từ nhà đầu tư bằng cách đổi lấy hạt cacao, với tỷ giá hối đoái là 80 pound/cổ phiếu. Chương trình mua lại này cho phép Rockwood tận dụng giá cacao đang tăng cao, tránh được khoản thuế đắt đỏ và giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành trong quá trình này.
Tuy nhiên, Warren Buffett nhận ra rằng Rockwood đã bán hạt cacao cực kỳ hiệu quả với mức giá chiết khấu so với giá thị trường. Trong vài tuần sau đó, ông đã mua thêm cổ phiếu của công ty này, đổi lấy hạt cacao và bán trên 1 sàn giao dịch hàng hoá. Chia sẻ trong lá thư năm 1988, ông nói: "Mức lợi nhuận tốt và chi phí duy nhất tôi phải trả là vé tàu điện ngầm."
Vị tỷ phú khi đó cũng bị ấn tượng bởi giải pháp đầy sáng tạo của Pritzker cho vấn đề của Rockwood và miêu tả giám đốc điều hành này là một thiên tài kinh doanh, trong bức thư năm 2007.
Cuối những năm 1980, 2 người đàn ông này lại có dịp tham gia cùng thương vụ đầu tư khi công ty đầu tư tư nhân KKR mua lại "gã khổng lồ" ngành ăn nhanh RJR Nabisco. Berkshire đã tăng cổ phần trong Nabisco lên khoảng 4 triệu cổ phiếu sau khi thương vụ này được công bố, sau đó bán 3 triệu cổ phiếu cho KKR và thị trường, thu về 64 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, Pritzker nằm trong nhóm các nhà đầu tư tham gia vào "cuộc chiến đấu thầu" cho Nabisco.
Berkshire sau đó đã mua lại Marmon, một công ty cổ phần công nghiệp do Pritzker và anh trai ông thành lập. Buffett đã ký hợp đồng tiếp quản trị giá 4,8 tỷ USD – thương vụ mua lại bằng tiền mặt lớn nhất của ông vào thời điểm đó - vào Ngày Giáng sinh năm 2007. Ban đầu, Berkshire mua 64% cổ phần của công ty này, sau đó tăng cổ phần lên 100% vào cuối năm 2013.
Tại cuộc họp cổ đông năm 2014, vị tỷ phú chia sẻ: "Tập đoàn Marmon chính là Rockwood & Company, tôi khá chắc là như vậy. Đây là công ty mà tôi đã thực hiện thương vụ mua bán chênh lệch giá cacao vào khoảng năm 1955 và đó là lúc tôi gặp Jay Pritzker."
Ông cũng nói thêm: "Có một điều mà bạn học được trong cuộc sống, đặc biệt là trong kinh doanh, đó là bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều người và thực thể, cùng với đó là có những trải nghiệm trong tương lai mà ban đầu bạn chỉ nghĩ rằng đó là điểm dừng chân duy nhất trong đời."
Khi nói về kế hoạch mua cổ phiếu lấy hạt cacao tại Rockwood, Buffett cho biết ông chỉ nghĩ cách để kiếm tiền nhanh chóng. Ông không bao giờ có thể nghĩ rằng mình đang đặt nền móng cho một trong những thương vụ mang tính bước ngoặt cho tập đoàn của mình trong tương lai.
Xem thêm: nhc.29085203172210202-oacac-tah-yal-ueihp-oc-iod-tteffub-nerraw-auc-al-yk-id-coun/nv.fefac