Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đáng kể trong năm 2020, sau 3 năm suy giảm từ từ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Bắc Kinh và Washington đổ lỗi cho nhau về đại dịch Covid-19, vẫn trong tình trạng thương chiến, cạnh tranh 5G cùng các công nghệ khác, bất đồng về vấn đề Tân Cương, Hong Kong.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải đón nhận những thách thức kể trên ngay từ ngày đầu tiên sau khi nhậm chức. Dưới đây là cách năm 2020 đã định hình quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
‘Món quà Trung Quốc’ từ Trump
Các chính sách về Trung Quốc của chính quyền Trump còn được duy trì, hoặc ít nhất đó là điều tổng thống đương nhiệm đang hành động quyết liệt để đảm bảo. Trong vài tuần hậu bầu cử tổng thống, chính quyền Trump triển khai hàng loạt biện pháp đối với Trung Quốc. Đây dường như chỉ là nỗ lực phút chót để tạo thêm khó khăn cho chính quyền Biden kế nhiệm nhưng tình hình có vẻ ngược lại. Chính quyền Trump càng triển khai nhiều chính sách, đội ngũ của Biden càng có thêm lựa chọn.
Chính quyền Biden sẽ quyết định giữ lại bao nhiêu phần trong những gì người tiền nhiệm tạo ra. Một số vấn đề như có duy trì thuế với 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có tính thách thức. Thuế ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ nhưng cũng mang lại đòn bẩy cho Washington. Hơn nữa, xóa bỏ các chính sách này quá nhanh có thể khiến chính quyền Biden bị cáo buộc mềm mỏng với Trung Quốc.
Một số nỗ lực, như kiên quyết xét xử những cá nhân liên quan các hoạt động của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng tại Mỹ, có thể duy trì nhưng ôn hòa đáng kể.
Chính quyền Biden có thể hiện thực hóa một số chiến thắng nhanh bằng cách lấp vào các khoảng trống chính quyền Trump tạo ra như quay lại các tổ chức quốc tế, thỏa thuận, phối hợp với đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, việc sửa sai chỉ tốt trong vòng 100 ngày đầu tiên sau nhậm chức. Bài kiểm tra thực sự với chính quyền Biden là họ cần làm gì trong 1.360 ngày còn lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. Covid-19
Covid-19 cùng chính trị trong nước càng khiến Mỹ xa rời Trung Quốc hơn. Tổng thống Trump muốn phân tán sự chú ý vào số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và phong trào biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd bằng cách cho rằng Trung Quốc nên bị quy trách nhiệm về đại dịch, cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang trở thành “con rối của Bắc Kinh”.
Quan điểm Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho Covid-19 và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến một số chính trị gia Mỹ đòi tách rời khỏi nền kinh tế số hai thế giới. Các thuyết âm mưu và nỗ lực gây sai lệch thông tin làm gia tăng sự hoài nghi giữa hai nước.
Đại dịch còn khiến người dân Mỹ gia tăng quan điểm tiêu cực với Trung Quốc. Kết quả khảo sát hồi tháng 10 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 73% người dân Mỹ quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, cao nhất kể từ năm 2005.
Tại Trung Quốc, năng lực của Bắc Kinh trong kiểm soát nhanh chóng Covid-19, cùng với căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung, củng cố hơn nữa chủ nghĩa quốc gia và bài Mỹ. Việc Trump cố tình sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” đã khiến Bắc Kinh tức giận, dẫn đến hàng loạt nhà báo Mỹ bị trục xuất khỏi Trung Quốc.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc mô tả Mỹ là một cường quốc thù địch đang suy yếu. Mỹ không thể đảm đương vị trí đi đầu trong y tế toàn cầu còn tạo ra quan điểm Trung Quốc nên giảm rủi ro đi kèm việc phụ thuộc chéo vào Mỹ. Quan điểm của người dân Trung Quốc về Mỹ hồi tháng 5 tiêu cực đáng kể so với một năm trước đó.
Hong Kong
Vấn đề Hong Kong năm nay khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây xấu đi đáng kể, dường như khó đảo chiều trong tương lai gần.
Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc cuối tháng 6 thông qua luật an ninh quốc gia với Hong Kong. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Động thái này nhằm ứng phó với các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với lực lượng nước ngoài, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đồng thời đưa ra các hình thức xử phạt.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc ngày 1/7/1997. Thành phố này được điều hành theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, có mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Đối đầu về 5G, TikTok
Ngoài thương mại, căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ cũng tăng đáng kể. Tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ “thắt chặt hơn nữa thòng lọng” quanh Huawei, ngăn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận các nhà cung ứng thiết bị bán dẫn quan trọng tại Mỹ, hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ.
Những biện pháp này là đòn giáng nặng vào mảng 5G của Huawei. Hệ quả, một số quốc gia châu Âu quyết định hạn chế Huawei tham gia mạng viễn thông của họ.
Ngoài ra, chính quyền Trump còn muốn cấm hai ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat vì lý do an ninh quốc gia, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chặn công nghệ thông tin từ nước ngoài. Những hạn chế này đã bị các tòa án chặn lại nhưng chính quyền Trump vẫn còn ý định giới hạn các nhà mạng, công ty dịch vụ đám mây Trung Quốc, cấm nhà phát triển Trung Quốc tiếp cận cửa hàng ứng dụng điện thoại Mỹ.
Xem thêm: nhc.45680803172210202-oan-eht-gnurt-ym-eh-nauq-nan-oahn-0202-man/nv.fefac