Trong dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh: B.N.
Bà Nguyễn Thị Hương - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý 4-2020 chiều 27-12 tại Hà Nội.
GDP năm 2020 tăng 2,91%
Dù Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020, nhưng mức tăng GDP 2,91% trong năm nay là mức tăng trưởng thấp nhất của thập kỷ 2011-2020, bà Hương cho biết thêm.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý 4-2020 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Có được mức tăng trưởng khởi sắc này do chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%, khu vực dịch vụ tăng 4,29%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Trong đó, quý 1 tăng 3,68%, quý 2 tăng 0,39%, quý 3 tăng 2,69%, quý 4 tăng 4,48%.
Theo bà Hương, việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Trong mức tăng GDP chung toàn nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5% vào tốc độ tăng GDP của cả nước.
Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư - Đồ họa: N.K.
Năng suất lao động đạt gần 118 triệu đồng/năm
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD (tương đương tăng 5,4%) so với năm 2019.
Điều này cho thấy năng suất lao động của người Việt đang được cải thiện theo hướng tích cực, tay nghề lao động được nâng lên.
Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỉ đồng, tăng 32,3%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh.
So với quý 4-2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý 1-2021, 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỉ USD, tăng 3,6%. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỉ USD.
Bình quân năm 2020 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019.
TTO - Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của VN từ 1,8% lên 2,3% trong năm 2020 nhờ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng và sự hồi phục nhanh của các quốc gia lân cận.
Xem thêm: mth.64551155172210202-ioig-eht-tahn-oac-et-hnik-gnourt-gnat-mohn-couht-man-teiv/nv.ertiout