Sáng 28-12, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự hội nghị. Ảnh: VGP
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn lại năm năm trước khi mà Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Lúc đó, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.
“Sau năm năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ hết, tăng trưởng cao và mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Chúng ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng” – Thủ tướng nói.
Riêng năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái nhưng Thủ tướng cho rằng Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Thủ tướng, đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.
“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua” - Thủ tướng nói và cho rằng năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong năm năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.
Cũng theo Thủ tướng, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.
Minh chứng là bằng sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần năm năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.
Không chỉ thành công về mặt kinh tế, Thủ tướng khẳng định Việt Nam còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về mặt xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn những hạn chế và khó khăn như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực...
Đó còn là chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập; tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường… vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
“Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực” - Thủ tướng nói và tin tưởng rằng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông ta đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp Việt Nam đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. “Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa” – Thủ tướng nói.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và năm năm 2016-2020 cũng như dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Ông Bình khẳng định, nhờ vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và năm năm giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, đáng chú ý là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng cả năm 2020 nước ta đạt 2,91%, là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2,750 USD.
Trong năm 2021, ông Trương Hòa Bình cho biết đã đặt ra 12 chỉ tiêu phát triển, đáng chú ý là phấn đấu tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%...