Chủ tịch Hạ viên Nancy Pelosi tại Đồi Capitol, thủ đô Washington (Mỹ) ngày 20-12 - Ảnh: REUTERS
"Đơn giản tôi muốn người dân của mình lấy 2.000 đô hơn là 600 đô vô tích sự có trong dự luật. Thêm nữa, hãy ngừng chi hàng tỉ đô cho thịt heo đi", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter.
Dòng trạng thái trên được ông Trump viết vào ngày 26-12, vốn dĩ đề cập tới câu chuyện gói viện trợ gần 900 tỉ USD dành cho dịch bệnh COVID-19, thuộc gói chi tiêu 2.300 tỉ USD cho năm tài khóa tiếp theo của Mỹ.
Thực tế, tổng gói 2.300 tỉ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua đầu tuần trước. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bất ngờ từ chối ký thành luật, khẳng định muốn nâng mức cứu trợ cho người lao động Mỹ lên 2.000 USD thay vì 600 USD, cũng như sửa đổi một số điểm trong dự luật.
Đảng Dân chủ tại Hạ viện với ngọn cờ đầu là Chủ tịch Hạ viện Pelosi đồng ý yêu cầu nâng mức hỗ trợ từ 600 lên 2.000 USD cho mỗi người dân. Tuy nhiên sau đó, phe Cộng hòa ở hạ viện bác đề xuất trên. Phe Dân chủ cũng đáp lại bằng việc ngăn nỗ lực của phe Cộng hòa về việc cắt giảm mức viện trợ nước ngoài trong gói 2.300 tỉ này.
Cuộc đấu đá trên dễ khiến độc giả liên tưởng tới việc Tổng thống Trump làm trì hoãn gói cứu trợ, còn Đảng Cộng hòa "bật" ông Trump. Tuy nhiên, vấn đề thực ra nằm ở... "thịt heo".
Tổng thống Mỹ Trump viết trên Twitter: "Tôi đơn giản muốn người dân của mình lấy 2.000 đô hơn là khoản 600 đô vô tích sự có trong dự luật. Thêm nữa, hãy ngừng chi hàng tỉ đô cho thịt heo đi" - Ảnh chụp màn hình
Trên thực tế, Đảng Cộng hòa cũng như ông Trump không đồng ý với đề xuất của phe Dân chủ, cụ thể dành sự chỉ trích cho bà Pelosi. Nói như ông Trump thì "hãy ngừng chi hàng tỉ đô vào thịt heo".
Chữ "thịt heo" thực ra xuất hiện quen thuộc trong chính trị, đặc biệt khi bàn tới các khoản chi tiêu nhà nước. "Thịt heo" dùng để diễn tả hành vi các nghị sĩ đề xuất ngân sách tài trợ cho địa phương, trong đó rót tiền vào các dự án địa phương thân thuộc với nghị sĩ đó.
Nói cách khác, trong trường hợp ở Mỹ, đưa "thịt heo" vào gói ngân sách có thể hiểu là việc nghị sĩ đề xuất chi tiền từ ngân sách liên bang cho các dự án địa phương vốn là "bang nhà" của họ.
"Thịt heo" theo nghĩa này thường được liên tưởng tới một hình thức tham nhũng ngân sách, khi chính trị gia chèn các dự án địa phương của họ vào mục chi tiêu ngân sách quốc gia.
Trả lời chương trình Fox & Friends hôm 27-12 (giờ Mỹ), nghị sĩ quốc hội Ken Buck (Đảng Cộng hòa, Colorado), cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Pelosi "nhồi thịt heo vào dự luật chi tiêu", và điều này cản trở sự ủng hộ của phe Cộng hòa vào quyết định nâng mức cứu trợ lên 2.000 USD cho dân Mỹ.
Theo ông Buck, bà Pelosi đã chơi không đẹp khi ra một dự thảo dài tới gần 6.000 trang, rồi bắt tất cả phải rà soát, thông qua trong vòng vài tiếng đồng hồ. Đây là lý do phe Cộng hòa không thể tán đồng.
"Nancy Pelosi cho các thành viên hạ viện chỉ vài tiếng để đọc hết 6.000 trang dự thảo, bà ta làm vậy vì bà ta đã nhồi đầy ắp thịt heo vào dự luật rồi", ông Buck nói.
Khi được hỏi liệu phe Cộng hòa có ủng hộ dự luật nếu bà Pelosi rút những đề xuất chi tiêu dạng "thịt heo" này khỏi ngân sách hay không, ông Buck khẳng định sẽ ủng hộ.
"Bà ấy chắc chắn sẽ có sự ủng hộ của tôi, nhưng nếu chỉ tăng cứu trợ lên 2.000 USD thay vì 600 USD vào những khoản thịt heo như dự luật (cũ) thì hoàn toàn không thể chấp nhận".
Sáng 28-12 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Trump đã chính thức ký đề xuất gói 2.300 tỉ USD này, kết thúc nhiều tháng đàm phán và trì hoãn.
TTO - Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tiếp tục chặn nỗ lực sửa đổi nội dung gói hỗ trợ COVID-19 bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích tại Hạ viện Mỹ.