Nhat Le và một tác phẩm trong bộ tác phẩm nhiếp ảnh đồ họa "Trẻ em không phải cô dâu"
"Không có nghệ thuật tuyên truyền nhàm chán, chỉ có người làm nghệ thuật tuyên truyền nghèo nàn ý tưởng. Nếu bạn có sức sáng tạo và bạn có tuổi trẻ nhiều mộng mơ và tự do, tại sao không tham gia một dự án xã hội có ý nghĩa?
NHAT LE
Không ngạc nhiên khi tác giả của bộ tác phẩm nhiếp ảnh đồ họa này là một 9X mới tốt nghiệp ngành nhiếp ảnh ở Pháp và đang học thêm về đồ họa ở quê nhà Việt Nam.
Nhat Le (Lê Nguyên Nhật) chỉ mới về nước gần một năm nay sau chuyến du học. Dịch COVID-19 tưởng chỉ giữ chân bạn trẻ ở lại Hà Nội ít bữa, cuối cùng lại khiến Nhat Le đưa ra quyết định khiến cả nhà bất ngờ: ở lại Việt Nam để thỏa trí sáng tạo của mình với các dự án xã hội nhiều ý nghĩa.
Và "Trẻ em không phải cô dâu" là dự án xã hội phi lợi nhuận đầu tiên mà Nhat Le tham gia.
Tảo hôn, một chủ đề tưởng đã khá quen thuộc với công chúng qua truyền thông, chẳng dễ gì để hấp dẫn mọi người hứng thú xem, nghe về nó một lần nữa. Nhưng Nhat Le đã làm được việc không dễ dàng này.
Cũng là con chữ thông tin cần tuyên truyền, nhưng với dụng công thiết kế của Nhat Le, chúng trở thành một yếu tố của tạo hình, thành một phần nghệ thuật của tác phẩm.
Rất nhiều thủ pháp chơi chữ thông qua thiết kế buộc người xem phải nhìn vào mỗi tác phẩm rất lâu để cùng ngẫm nghĩ thay vì chỉ sốc vì hình ảnh trực diện rồi bước qua rất nhanh.
Hình ảnh con người trong các tác phẩm thường khá khiêm tốn trong tổng thể tác phẩm nhưng rất giàu biểu hiện trên gương mặt, gợi mở cho người xem nhiều tâm tư, nỗi niềm.
Những đứa trẻ tảo hôn (diễn viên trẻ em tham gia dự án đóng) khá lẩn khuất và thường là tối, vừa gợi những tâm sự buồn, tương lai mờ xám, vừa dẫn dụ người xem muốn lách mình qua những khe cửa hẹp để đến với những câu chuyện tảo hôn tưởng rất gần bởi đã nghe nhiều trên truyền thông, mà thực là rất xa xôi với cộng đồng xã hội.
Nhìn vào bộ ảnh "Trẻ em không phải cô dâu" của Nhat Le hay những tác phẩm gần đây như ca khúc Ghen Cô Vy của Khắc Hưng, vũ điệu rửa tay trên nền nhạc Ghen Cô Vy của Quang Đăng, những bức tranh cổ động phòng chống COVID-19 của Lê Đức Hiệp... công chúng có quyền hi vọng vào một thứ nghệ thuật dấn thân vào giải quyết các vấn đề xã hội của những người trẻ vốn luôn thừa sáng tạo và nhiệt tâm.
17 tác phẩm nhiếp ảnh đồ họa trong triển lãm "Trẻ em không phải cô dâu" là một phần của dự án cùng tên do Tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam thực hiện, với mục tiêu nâng cao nhận thức của trẻ em và người dân trong cộng đồng huyện Quang Bình, Hà Giang nói riêng và người đồng bào dân tộc ít người nói chung về việc phòng tránh tảo hôn.
Xem một số tác phẩm của Nhat Le:
TTO - Cuộc thi Thiết kế đồ họa Mỹ (American Graphic Design Awards 2019) vừa công bố người chiến thắng hạng mục Identity Design (Thiết kế nhận diện) là logo "Tâm xanh" được thiết kế cho một dự án nghệ thuật đến từ Việt Nam.
Xem thêm: mth.24211049082210202-uad-oc-iahp-gnohk-me-ert-iov-ogn-tab/nv.ertiout