Theo vị chuyên gia này, trong khi thị trường BĐS Tp.HCM sụt giảm mạnh về nguồn cung thì các thị trường vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng tàu lại sôi động. Dự báo xu hướng này còn tiếp diễn trong năm 2021.
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn kiệt cho hay, trong suốt ba quý đầu năm 2020 thị trường căn hộ Tp.HCM chỉ có 9.214 sản phẩm được chào bán và 8.900 căn hộ được giao dịch thành công, giảm 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường Bình Dương đón nhận hơn 8.200 căn hộ mới, tăng gần 150% so với cùng thời điểm của năm 2019. Đây là việc trước nay chưa từng có tại thị trường này.
Bên cạnh đó, khu vực khác như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… cũng lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Kiệt cho rằng, việc các doanh nghiệp BĐS di chuyển ra vùng ven không phải là xu hướng mới. Trước đây, khi thị trường BĐS Tp.HCM phát triển, sự chú ý với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương chưa nhiều. Hiện nay, Tp.HCM đang gặp khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án khiến các chủ đầu tư dịch chuyển. "Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào. Đây là bức tranh dễ thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng", ông Kiệt nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, năm 2021 các doanh nghiệp BĐS tiếp tục về vùng ven để phát triển dự án
Cũng theo vị chuyên gia này, đầu tư ra tỉnh là cách để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong bối cảnh thị trường Tp.HCM gặp khó khăn về quỹ đất, nguồn cung. Còn xét về tiềm năng thì Tp.HCM vẫn có, nhu cầu về BĐS vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý, sự khó khăn ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại Học Fulbright Việt Nam, cho rằng hiện tượng các doanh nghiệp lần lượt di cư về các tỉnh thành khác để phát triển dự án là diễn biến bình thường của quy luật đất lành chim đậu. "Tôi ủng hộ khái niệm bỏ phiếu bằng chân, nghĩa là người dân và doanh nghiệp được quyền lựa chọn chỗ nào khó bỏ đi, chỗ nào tốt họ tìm đến. Điều này sẽ tạo áp lực tích cực thúc đẩy sự thay đổi cho giai đoạn phát triển mới", ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, trong 5 năm tới, phát triển hạ tầng nếu làm tốt sẽ là cú hích thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, đầu tư du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ hơn cho các địa phương Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Lâm Đồng... Đây cũng là lý do bất động sản khu vực vệ tinh hứa hẹn tăng sức hấp dẫn trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam cho hay, một doanh nghiệp mất 2-3 năm từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi được phê duyệt quy hoạch 1/500. Sau đó, mất thêm ít nhất 6 tháng xác định nghĩa vụ tài chính trong trường hợp các sở, ngành của địa phương đồng thuận. Nếu không, thời gian lại càng kéo dài.Nhiều doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện pháp lý mà không được. Do đó, các chủ đầu tư phải tìm kiếm những địa điểm "mưa thuận gió hòa" để có thể triển khai dự án, tận dụng cơ hội kinh doanh. Đó là một sự linh hoạt dễ hiểu của doanh nghiệp BĐS.
Theo các chuyên gia trong ngành, thực tế, xu hướng ly tâm để dịch chuyển về các thị trường mới đã diễn ra trong nhiều năm nay và dự kiến sẽ không giảm tốc trong 2021, đặc biệt tại những điểm sáng như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hạ Long (miền Bắc); Phan Thiết (Bình Thuận), Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa (miền Trung); Bình Dương, Long An, Đồng Nai (miền Nam).
Theo nhiều doanh nghiệp BĐS, đầu tư vào thị trường vùng ven bên cạnh khai thác thế mạnh về quỹ đất rộng, giá tương đối thấp thì ở đây chính quyền cũng tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư do đó, thủ tục xin phép để triển khai một dự án cũng được rút gọn, dễ dàng hơn. Đặc biệt, hơn cả là ở những thị trường này đang có các bệ phóng là các dự án hạ tầng quan trọng sắp được triển khai.
Hạ Vy
Kinh doanh và Phát triển