Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu tháng 12/2020 tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước năm 2020 ước đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là mức tăng cao hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 9 (khi đó dự báo chỉ tăng từ 3,5 - 4%).
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 15,7%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 47,8%; sắt thép các loại tăng 23,7%; dây điện và cáp điện tăng 21,6%; phân bón các loại tăng 26,6%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,9%...
Đáng chú ý, mặt hàng sản phẩm đồ nội thất từ chất liệu khác gỗ và đồ chơi dụng cụ thể thao là hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao (lần lượt là 47,6% và 48,7%). Đây là những nhóm hàng mới, có tăng trưởng cao ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh chưa được khắc phục hoàn toàn và là điểm tích cực cần được khai thác trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 6%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019 và 82,9% của năm 2018…
Kết quả trên có được là nhờ trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA và gần nhất là RCEP, giúp đa dạng hóa thị trường, thêm nhiều đối tác.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau 35 năm hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Việt Nam đã là “bạn hàng” với hầu hết tất cả các quốc gia thành viên WTO. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế rất rộng với việc tham gia vào 16 FTA, 13/16 FTA đã có hiệu lực.
Cùng với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (năm 2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (vào năm 2019).
VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt trên 44 tỷ USD trong năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!