Năm 2020 là năm có nhiều biến động, tàn khốc và bi thương khi đại dịch COVID-19 hoành hành và cướp đi sinh mạng của hơn 1,7 triệu người dân trên thế giới. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng của năm, ánh sáng hy vọng đã le lói xuất hiện. 2020 có lẽ là năm chúng ta không muốn nhớ lại, nhưng cũng là một năm khó quên. Hãy cùng điểm lại những sự kiện nổi bật của thế giới vào năm 2020
1. Đại dịch COVID-19 bùng phát
Ngày 11-1, Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm đường hô hấp cấp có tên gọi là COVID-19. Vào tháng 4, nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm COVID-19.
Các doanh nghiệp cũng bị buộc phải đóng cửa, khiến cho kinh tế có thể giảm 4,4% trong năm 2020, theo báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các quốc gia đã nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian ngắn, làm thắp lên tia hy vọng le lói trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh. Một số quốc gia phát triển đã tiến hành tiêm chủng vaccine trên diện rộng.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chữ thập đỏ tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES
2. Bàn cờ Trung Đông thay đổi
Vào ngày 3-1, Tướng Iran Qassem Soleimani đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad (Iraq). Vụ ám sát đã làm leo thang căng thẳn giữa Mỹ và Iran.
Ngày 8-1, Iran đã đáp trả hành động trên của Mỹ bằng cách phóng hàng loạt tên lửa vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Cùng ngày, quân đội Iran đã “vô tình” bắn rơi một máy bay dân sự Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine vì lầm tưởng là máy bay của lực lượng Mỹ. Sự việc đã khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Vào tháng 11, căng thẳng giữa Iran và Mỹ tiếp tục gia tăng sau khi nhà khoa học hạt nhân của Iran - ông Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Tehran đã đổ trách nhiệm cho phía Tel Aviv. Tuy nhiên, Israel liên tục phủ nhận cáo buộc đó.
Tướng Iran Qassem Soleimani. Ảnh: REUTERS
3. Nước Anh rời Liên minh châu Âu
Từ ngày 31-1-2020, Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU (hay còn gọi là Brexit) sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, và bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31-12-2020. Cuộc “ly hôn” của Anh sau 47 năm gắn bó với EU được dự đoán sẽ làm thay đổi các mối quan hệ với khối trong mọi lĩnh vực, bao gồm các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, an ninh...
Cũng bắt đầu từ năm 2021, các quy tắc của EU sẽ không được áp dụng tại Anh. Người dân Anh cũng sẽ không được nhận các ưu đãi về vấn đề cư trú, việc làm, học tập... từ các quốc gia châu Âu khác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AP
4. Hiệp ước giữa Mỹ và Taliban
Vào ngày 29-2, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận tại thủ đô Doha (Qatar), theo đó Mỹ sẽ rút toàn bộ quân của mình và của khối NATO ra khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng (tức đến tháng 5-2021), từ đó mở đường chấm dứt cuộc chiến dài 18 năm tại Afghanistan.
Lầu Năm Góc dự kiến sẽ rút 2.000 người trong số 4.500 binh lính Mỹ tại Afghanistan vào ngày 15-1-2021.
5. Biểu tình về vấn đề sắc tộc diễn ra ở Mỹ
Cuộc biểu tình về vấn đề sắc tộc đã diễn ra mạnh mẽ và lan khắp nước Mỹ sau khi một người đàn ông da màu tên George Floyd bị các cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis (bang Minnesota) giết chết vào ngày 25-5.
Phong trào “Black Lives Matter” (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng quý giá) nổ ra nhằm phản đối vấn đề phân biệt chủng tộc. Người biểu tình đã kéo đổ nhiều tượng nhân vật liên quan đến nô lệ và thực dân, một số tượng hoặc bị phá hoại, hoặc bị tháo gỡ.
Sự việc đã thu hút sự chú ý của người dân ở Úc, Anh, Đức và Pháp... Họ đã xuống đường để thể hiện sự đoàn kết với những người biểu tình ở Mỹ.
Người biểu tình đập phá ở TP Chicago (bang Illinois) ngày 1-6. Ảnh: AP
6. Luật an ninh quốc gia ở Hong Kong
Vào tháng 6, Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong, theo đó cấm các hành vi ly khai, khủng bố, lật đổ và câu kết với các thế lực từ nước ngoài. Phương Tây đã chỉ trích và phản đối luật an ninh này vì sẽ đe dọa nền tự trị của Hong Kong, gây xói mòn nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh cam kết.
Tuy nhiên, giới chức của Trung Quốc và Hong Kong khẳng định luật an ninh mới này sẽ chỉ nhắm vào các vụ việc có “tính chất khủng bố” do những người cấu kết với lực lượng nước ngoài thực hiện.
Vào tháng 12, ba nhà hoạt động chính trị gồm Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) Ivan Lam Long-yin (Lâm Lãng Ngạn) và Agnes Chow Ting (Châu Đình) bị bỏ tù do liên quan đến các hoạt động biểu tình quy mô lớn hồi năm 2019.
7. Biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan
Vào tháng 7, hàng ngàn người biểu tình Thái Lan, chủ yếu là sinh viên, đã xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải từ chức và kêu gọi bãi bỏ luật phỉ báng hoàng gia nghiêm ngặt ở quốc gia này.
Ngày 27-10, hơn 300 người mặc áo vàng – biểu tượng của sự tận tâm với chế độ quân chủ - đã tập trung tại một công viên ở thủ đô Bangkok nhằm thể hiện sự ủng hộ nhà vua. Tuy nhiên, con số 300 này lại chỉ là con số nhỏ so với hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ.
Đến nay, những người biểu tình đã mở tộng các yêu cầu của họ, trong đó có việc hạn chế quyền lực của Nhà vua Thái Lan.
Hàng ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Bangkok. Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
8. Nổ kho hóa chất tại cảng Beirut, Lebanon
Một vụ nổ lớn tại kho chứa 2.750 tấn ammonium nitrate vào ngày 4-8 đã phá hủy phần lớn cảng Beirut và tàn phá gần như các khu phố ở thủ đô. Vụ nổ đã khiến 200 người thiệt mạng và làm ít nhất 6.500 người bị thương.
Tai nạn này đã gây thêm khó khăn cho một đất nước vốn đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế và bạo loạn. Người dân đã xuống đường biểu tình và đổ lỗi sự việc cho chính quyền vì sự quản lý yếu kém của họ.
Một người đàn ông bị kẹt dưới gầm xe bán tải sau vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, ngày 4-8. Ảnh: MOHAMED AZAKIR
9. Vụ ông Navalny bị đầu độc
Ngày 20-8, nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny cảm thấy không khỏe khi đang trên chuyến bay từ TP Tomsk (vùng Siberia) về thủ đô Moscow và được đưa vào bệnh viện ngay sau khi máy bay hạ cánh khẩn xuống TP Omsk (vùng Siberia). Sau hai ngày điều trị, ông Navalny được đưa tới bệnh viện Charite ở Đức để tiếp tục điều trị, theo đề nghị của người nhà.
Các kết quả xét nghiệm thu được ở Đức cho thấy ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh chết người Novichok, một loại chất độc được sản xuất từ thời Liên Xô.
Ông Navalny đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau vụ đầu độc. Mới đây nhất, Mỹ quy trách nhiệm của vụ đầu độc cho các nhân viên thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).
Nga phủ nhận mọi liên quan trong vụ việc ám hại ông Navalny. Tổng thống Putin cũng bác cáo buộc việc FSB có liên quan đến vụ đầu độc này.
Ông Navalny và vợ của mình tại bệnh viện Charite hồi tháng 9. Ảnh: GETTY IMAGES
10. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus
Biểu tình ở Belarus đã nổ ra sau khi kết quả bầu cử tổng thống ngày 9-8 cho thấy Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko đã đánh bại đối thủ Svetlana Tikhanovskaya khi giành được gần 80% số phiếu bầu. Ông Lukashenko đã nắm quyền ở Belarus trong vòng 26 năm.
Vào ngày 13-10, bà Tikhanovskaya đã đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu ông Lukashenko từ chức trước ngày 25-10 và ngăn chặn “tình trạng bất ổn” do chính quyền gây ra. Bà cũng kêu gọi người dân Belarus đình công từ ngày 26-10 “nếu các yêu cầu này không được đáp ứng”.
Một số nhân vật đối lập hoặc đã bị bắt giam hoặc bị lưu vong. Trong số những nhân vật đối lập bị bắt giam có chồng của bà Tikhanovskaya, ông Sergei Tikhanovsky.
Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS
11. Các quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel
Ngày 15-9, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Bahrain đã chính thức ký kết các thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian với Israel tại Nhà Trắng. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với UAE và Bahrain đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối từ Iran và các phe phái ở Palestine.
Tháng 10, Sudan trở thành nước Ả Rập thứ ba chấm dứt thù địch và bình thường hóa quan hệ với Israel. Sau đó, Morocco cũng “nối gót” các nước Ả Rập khi nối lại quan hệ ngoại giao với Israel vào ngày 10-12 để đổi lại việc Mỹ công nhận chủ quyền của họ đối với “toàn bộ lãnh thổ phía Tây Sahara”.
12. Căng thẳng Mỹ - Trung
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng đi xuống khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng cụm từ “virus Trung Quốc” để ám chỉ dịch bệnh COVID-19.
Chính quyền Washington và Bắc Kinh cũng xung đột trong nhiều vấn đề, bao gồm việc Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tự trị Tân Cương, cũng như việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong...
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
13. Kết quả chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Theo kết quả sơ bộ từ cử tri đoàn, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã giành chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1-2021. Trong khi đó, ông Trump vẫn chưa thừa nhận thua cuộc và tuyên bố tiếp tục theo đuổi các vụ kiện nhằm đảo ngược tình thế.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (phải). Ảnh: AFP
14. Chiến sự Armenia – Azerbaijan
Các cuộc giao tranh ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh vào ngày 27-9 và kéo dài trong vòng 45 ngày. Cuộc chiến đã khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm trong đường biên giới của Azerbaijan và được quốc tế công nhận, nhưng phần lớn dân chúng sinh sống ở đây là người gốc Armenia.
Cục diện đã được định đoạt khi Azerbaijan triển khai máy bay không người lái (UAV) và áp đảo lực lượng Armenia trên chiến trường, buộc họ phải ký thỏa thuận đình chiến do Nga làm trung gian vào ngày 9-11. Thỏa thuận có nhiều điều khoản có lợi hơn cho phía Azerbaijan.