Tòa án Thượng Hải (Trung Quốc) kết án bốn năm tù đối với một nhà báo độc lập đưa tin về đại dịch COVID-19 tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc nước này.
Bà Zhang Zhan (37 tuổi) bị kết tội “gây gổ và gây rối”, đài CNN dẫn lời luật sư Zhang Keke của bà Zhang cho biết ngày 28-12.
Bị cáo buộc “đăng tải lượng lớn thông tin giả”
Là một cựu luật sư, bà Zhang đã tới TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc hồi đầu tháng 2 để đưa tin về tình hình đại dịch COVID-19 cũng như những nỗ lực ngăn chặn dịch tại đây. Đây cũng là thời điểm nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu kiểm soát thông tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước và tư nhân tại nước này.
Cảnh sát cố gắng chặn các nhà báo quay video bên ngoài Tòa án nhân dân Phố Đông Tân Khu (Thượng Hải), nơi nhà báo Zhang Zhan bị đưa ra xét xử ngày 28-12. Ảnh: CNN
Trong hơn ba tháng, bà Zhang đã ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống trong thời gian phong tỏa tại Vũ Hán cũng như thực tế khắc nghiệt mà người dân ở đây phải đối mặt, từ tình trạng các bệnh viện quá tải cho đến những cửa hàng vắng tanh.
Bà Zhang đã đăng những quan sát của mình cùng những hình ảnh và video mà bà ghi lại trên mạng xã hội Wechat, Twitter và YouTube – hai trong số đó đã bị chặn tại Trung Quốc.
Những bài đăng của bà Zhang bất ngờ dừng lại vào giữa tháng 5 và sau đó có thông tin bà bị cảnh sát bắt giữ và đưa trở lại TP Thượng Hải – cách nơi bà cư trú hơn 640 km.
Trong cáo trạng, các công tố viên cáo buộc bà “đăng tải lượng lớn thông tin giả” và nhận trả lời phỏng vấn từ các hãng thông tấn báo chí nước ngoài, trong đó có đài Á Châu Tự do và Đại Kỷ Nguyên nhằm “khuấy động một cách ác ý tình hình dịch COVID-19 tại Vũ Hán”.
Bà Zhang là nhà báo công dân đầu tiên bị kết án vì vai trò của bà trong việc đưa tin về COVID-19. Theo cáo trạng, bà Zhang đã hai lần bị tạm giam trong 10 ngày năm 2019 vì “gây gổ và gây rối”, song tài liệu không cho biết nguyên nhân dẫn tới việc bà bị bắt giữ.
Nhiều nhà báo đưa tin về COVID-19 bị bắt
Bà Zhang là một trong nhiều nhà báo độc lập bị bắt giữ hoặc mất tích tại Trung Quốc kể từ khi COVID-19 bùng phát, khi nhà chức trách hạn chế đưa tin về dịch bệnh và các cơ quan truyền thông tuyên truyền cách ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh là hiệu quả và kịp thời.
Tháng 2, ông Chen Qiushi, người đã phát video trực tiếp từ Vũ Hán trong thời gian nơi này phong tỏa và đăng lên mạng xã hội, đã biến mất. Tháng 9, ông được cho đang chịu “sự giám sát của nhà nước”.
Khử trùng tại Vũ Hán. Ảnh: ABC News
Hai nhà báo độc lập khác - Li Zehua và Fang Bin – cũng bị bắt sau khi họ đưa tin về dịch COVID-19 tại Vũ Hán.
“Dưới chiêu bài chống COVID-19, nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường trấn áp trực tuyến bằng cách chặn báo cáo độc lập, chia sẻ thông tin và bình luận chỉ trích về các ứng phó của chính phủ” – tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong cho biết trong một báo cáo trước đó trong năm nay.
Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Trung Quốc là quốc gia bắt giam nhiều nhà báo nhất thế giới và kiểm soát chặt chẽ báo chí trong nước, trong khi chặn hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài thông qua Great Firewall – bộ máy giám sát và kiểm duyệt trực tuyến khổng lồ của nước này.
Hồi tháng 3, Trung Quốc trục xuất các nhà báo của tờ The New York Times, Washington Post và Wall Street Journal trong một động thái chưa từng có nhằm vào báo chí nước ngoài. Động thái này diễn ra trong khi xuất hiện làn sóng về thông tin chỉ trích cách ứng phó ban đầu của Trung Quốc đối với COVID-19.
Bắc Kinh nói rằng việc trục xuất các nhà báo trên nhằm đáp trả việc Washington gần đây hạn chế cách hoạt động của truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.
Trong khi các ổ dịch nhỏ lẻ bùng phát và nhanh chóng lắng xuống bằng biện pháp phong tỏa và cách ly, Trung Quốc phần lớn đã kiểm soát được COVID-19, cho phép nước này trở về cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, những hạn chế đối với báo chí vẫn chưa được gỡ bỏ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu tích cực thúc đẩy một câu chuyện về nguồn gốc COVID-19 với việc tuyên bố virus có lẽ đã phán tán ngoài nước này trước khi ổ dịch bùng phát tại Vũ Hán.