Thời điểm quan trọng
Theo đúng kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 29/12/2020. Vietnam Airlines buộc phải triệu tập một đại hội đồng cổ đông bất thường ngay trước khi kết thúc năm tài chính 2020 đã phần nào cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng của sự kiện này.
Nội dung của đại hội sẽ tập trung cơ bản vào việc hoàn tất chuyển giao thế hệ lãnh đạo chủ chốt, đồng thời thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ, chủ trương kêu gọi cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ thanh khoản bù đắp cho những thiệt hại đang hứng chịu bởi dịch bệnh. Trước thềm đại hội, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết trong suốt năm qua, hãng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối thiểu mọi khó khăn trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên do diễn biến kéo dài của dịch bệnh, toàn bộ khả năng sản xuất, kinh doanh vẫn đang tiệm cận nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản.
Sau thời gian xem xét và cân nhắc, Chính phủ với vai trò là cổ đông Nhà nước đã đưa ra nhiều tháo gỡ cấp bách, trong đó đáng chú nhất là việc phê duyệt giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để hãng được tiếp cận với quy mô không quá 4.000 tỷ đồng nhằm duy trì thanh khoản. "Cùng với sự hỗ trợ của cổ đông Nhà nước, HĐQT Vietnam Airlines kiến nghị Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020 thông qua chủ trương kêu gọi các cổ đông khác cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để có thêm dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hãng trong thời gian tới, đồng thời cũng là để đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Được biêt, quá trình vay và trả sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các cam kết hiện hữu với cổ đông. Các cổ đông cho vay sẽ được hưởng phương án xử lý lãi vay chênh lệch theo quy định Nhà nước. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đây là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả để hãng tiếp tục khả năng duy trì dòng tiền ngắn hạn.
Nếu khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng tiếp tục chậm trễ, áp lực lên hãng ngay trong đầu năm sau là rất lớn. "Trong trường hợp không thể giãn nợ và rút thêm tiền vay, Vietnam Airlines có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chính vì vậy, bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào của cổ đông đều được hãng trân trọng như những chiếc phao sinh tồn trong hoàn cảnh ngặt nghèo này", lãnh đạo hãng chia sẻ.
Kế hoạch phục hồi
Khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng của cổ đông Nhà nước cùng các cổ đông khác được cho là sẽ giúp Vietnam Airlines giải quyết vấn đề tài chính trong giai đoạn ngắn hạn. Bởi lẽ như hầu hết các hãng bay lớn trên thế giới, mặc dù dừng hoạt động nhưng các khoản chi phí từ thuê mua tàu bay vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn. Do đó tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2020, ngoài việc kêu gọi hỗ trợ tài chính, HĐQT Vietnam Airlines sẽ xin thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô đợt đầu tiên khoảng 8.000 tỷ đồng. Đây là phương án đã được Vietnam Airlines tính toán cẩn thận nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như không tạo ra thêm áp lực cân đối thu chi trong những năm tiếp theo. Đồng thời, quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và chỉ số tài chính không bị giao động ngoài mức an toàn.
Vietnam Airlines đã chuẩn bị nhiều kế hoạch điều chỉnh trong giai đoạn 2021-2025 để phục hồi sản xuất kinh doanh
Trong trường hợp chủ trương này chính thức được chấp thuận, Vietnam Airlines lên kế hoạch sử dụng nguồn tiền bổ sung cho vốn kinh doanh, vốn duy trì hoạt động và đầu tư phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. Song song với đó, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư với mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn đầu tư phát triển như thực hiện Bán và Thuê lại (SLB) các tàu bay mới thuộc sở hữu của hãng (nằm trong dự án 50 tàu thân hẹp mới); bán các tàu bay cũ thuộc sở hữu của Vietnam Airlines đã được trả hết nợ vay, theo đó tổng số tàu bay cũ có thể tái cơ cấu trong cả giai đoạn 2021-2025 là 26 tàu bay A321. Đặc biệt, Vietnam Airlines sẽ xem xét thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không.
"Với các giải pháp nói trên, trong trường hợp dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong năm 2021, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023, trước khi đưa các chỉ số tài chính về lại thời điểm tháng 12/2019 vào cuối năm 2025", lãnh đạo Vietnam Airlines kỳ vọng.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.37384017182210202-gnod-oc-ut-ned-senilria-manteiv-ohc-cuhp-ioh-gnov-ih/nv.zibefac