Nữ nhà văn Trần Trà My xuất hiện trên sân khấu Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020 - Ảnh: HÀ THANH
Sân khấu đêm hội rất đặc biệt, mọi ánh nhìn đều hướng về phía dưới - những chàng trai, cô gái ngồi xe lăn, đi nạng, có người khiếm thị, người khiếm thính.
64 câu chuyện đẹp
64 gương mặt là 64 câu chuyện đẹp vượt qua nghịch cảnh. Người ta ví họ như những "vầng trăng khuyết" với trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước trước khó khăn, truyền cảm hứng đến người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.
Xuất hiện trên sân khấu với vai trò MC là gương mặt rất xinh đẹp - cô gái Lê Hương Giang bị khuyết tật mắt bẩm sinh, vượt qua bóng tối cuộc đời, cô trở thành người dẫn chương trình tài năng của Đài truyền hình Việt Nam.
Đứng trên sân khấu "Tỏa sáng nghị lực Việt", nữ MC bộc bạch: "Có người cho rằng cuộc sống của Hương Giang chỉ sống trong bóng tối, nhưng tôi tin tôi sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình".
Sân khấu đêm hội "Tỏa sáng nghị lực Việt" rất đặc biệt với những câu chuyện vượt qua số phận, vượt qua bóng tối cuộc đời để lan tỏa những điều tốt đẹp - Ảnh: HÀ THANH
Hoa khôi Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng mất đi một chân sau tai nạn, không gục ngã trước nghịch cảnh, chị đứng lên bằng một chân còn lại với nghị lực sống mạnh mẽ, múa hát, khởi nghiệp, góp sức cho cộng đồng.
Tại đêm hội, nữ nhà văn Trần Trà My - gương mặt quen thuộc với bạn đọc Tuổi Trẻ, xuất hiện vô cùng rạng rỡ. Chỉ cao hơn 1,3m, đi lại nói năng rất khó khăn, cô gái khuyết tật đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị một mình vào TP.HCM để "tự đứng bằng đôi chân của mình".
Anh Hoàng Lân, trưởng ban nhạc Cat (ở Hà Nội), cùng hoa khôi Bế Thị Băng tỏa sáng trên sân khấu - Ảnh: HÀ THANH
Hay tấm gương anh Lê Thanh Tùng đến từ Yên Bái vượt qua khiếm khuyết về thể chất, hăng say lao động và hỗ trợ nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, người con của quê hương xứ Nẫu (Phú Yên), bị co rút tứ chi nhưng chị lại tìm thấy niềm lạc quan, yêu đời, thắp lên hi vọng từ những vần thơ.
Anh Đỗ Hà Cừ ở Thái Bình bị nhiễm chất độc da cam, liệt toàn thân, chỉ cử động được một ngón tay phải. Vượt qua bệnh tật, anh sống lạc quan và nỗ lực thành lập không gian đọc hi vọng cho trẻ - Ảnh: HÀ THANH
Không bao giờ gục ngã
Hiện nay cả nước có hơn 2 triệu thanh niên khuyết tật, trong khoảng 6,4 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên.
Tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - xúc động nhấn mạnh những con người không bao giờ gục ngã trước số phận là minh chứng sống động cho nguyên lý: sức mạnh không đến từ thể chất, nó đến từ ý chí bất khuất.
"Chúng tôi hiểu và tin các bạn sẽ không bao giờ cam phận cúi nhìn xuống nơi mình đang đứng. Những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau sẽ không đủ khuất phục các bạn. Sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của các bạn là tính cách của những trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước", anh Tuấn đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ với các gương "Tỏa sáng nghị lực Việt" - Ảnh: HÀ THANH
Ông Đào Ngọc Dung - bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - mong rằng thời gian tới các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc và phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội toàn diện đối với người khuyết tật, thanh niên khuyết tật.
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh các gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Đồng thời lan tỏa, kêu gọi cộng đồng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt.
TTO - Câu chuyện của Trần Trà My, cô gái khuyết tật chỉ cao hơn 1m3, đi lại nói năng rất khó khăn, nhưng đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị một mình vào TP.HCM để 'tự đứng bằng đôi chân' của mình.
Xem thêm: mth.14404559182210202-hnim-gneir-hcac-oeht-gnas-aot-teyuhk-gnart-gnav-gnuhn/nv.ertiout