Trong cuộc hội thảo thường niên do Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (TQ) tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị nêu rõ tái khởi động quan hệ với Mỹ và tăng cường quan hệ chiến lược với Nga là những trọng tâm ngoại giao của nước này trong năm 2021. Ông Vương nhấn mạnh việc tái khởi động quan hệ sẽ giúp mở ra cơ hội cải thiện quan hệ Mỹ - Trung vốn đang rơi vào tình trạng thù địch và bế tắc khi chỉ còn hơn một tháng nữa Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức.
Dù vậy, nhìn lại những gì ngành ngoại giao nước này đã làm được trong năm 2020, giới chuyên gia cảnh báo TQ có thể sẽ phải đối mặt với năm 2021 đầy sóng gió, theo tờ South China Morning Post.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS
Hình ảnh Trung Quốc xấu đi do COVID-19
Đầu tiên, việc bùng phát đại dịch COVID-19 đã thay đổi gần như hoàn toàn cục diện chính trị quốc tế. TQ dù là nơi khởi phát dịch lại trở thành nước đầu tiên kiểm soát dịch thành công, trong khi các quốc gia phương Tây đến nay vẫn ghi nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày. Điều này dẫn tới nhận thức của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng đây là thời điểm chín muồi để tiến lên trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Lưu ý là trong năm qua đã có hàng loạt thuật ngữ ngoại giao mới xuất hiện liên quan tới TQ như “ngoại giao khẩu trang” hay “ngoại giao chiến lang”, tựu trung đều dùng để chỉ các cách tiếp cận cụ thể mà TQ đã triển khai để hiện thực hóa tham vọng nói trên.
“TQ rõ ràng đang hưởng lợi rất nhiều từ những thay đổi mà đại dịch COVID-19 đem lại. Việc TQ mạnh lên khiến tình trạng va chạm và căng thẳng tăng cao khó tránh khỏi. Điều đáng lo ngại là xung đột Mỹ - Trung, mà rộng hơn là TQ - phương Tây đang dần chuyển từ xung đột lợi ích thành xung đột ý thức hệ. Chúng ta hiện vẫn chưa rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng kịch bản đó đến nay đã không còn xa vời như trước” - TS Jacques deLisle thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ) cảnh báo.
Nếu TQ vào năm sau tiếp tục thúc đẩy lợi ích của mình theo cách họ đã làm trong vài năm qua với thái độ không phân biệt phải trái thì tôi cho rằng xu hướng liên kết của các nước phương Tây sẽ còn tiếp tục phát triển và ngày càng trở nên quy củ hơn. TS PRADEEP TANEJA, ĐH Melbourne (Úc) |
Theo GS Jean-Pierre Cabestan thuộc ĐH Baptist (Hong Kong), trong khi thế giới đang chật vật làm quen với cuộc sống giữa đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế theo sau, Bắc Kinh lại ca ngợi cuộc chiến COVID-19 thành công của mình đã “kéo dài thời gian quý báu cho thế giới” để chiều theo làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang bùng lên trong nước.
“Sự tự tin đó làm hại TQ khi nhiều nước vẫn có quan điểm cho rằng TQ phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của đại dịch. Thay vì đặt mình vào vị trí của những nước khác để hiểu cho những khó khăn của họ, TQ tự cho mình là người cứu tinh và đứng cao hơn toàn thế giới. Đó không phải là cách hành xử của một người lãnh đạo” - ông Cabestan khẳng định.
Trung Quốc bước vào năm 2021 nhiều khó khăn
Trước một TQ ngày càng quyết liệt, không ngoài dự đoán, thái độ của phương Tây cũng trở nên cứng rắn hơn, đặc biệt là Mỹ. Giữa lúc thế giới vẫn đang chưa lấy lại sự ổn định như giai đoạn trước đại dịch, việc TQ có nhiều hành động không thể lường trước được với ý đồ chính trị rõ ràng sẽ tác động tiêu cực đến trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu hiện tại.
Thế giới năm qua đã chứng kiến hai nền kinh tế hàng đầu nổ ra xung đột trên hàng loạt lĩnh vực khác nhau như dịch bệnh, thương mại, công nghệ… Không chỉ những công kích bằng phát ngôn ngoại giao mà chính quyền hai nước còn kèm thêm chính sách ăn miếng trả miếng liên tục, từ trục xuất nhà báo, đóng cửa lãnh sự quán, trừng phạt cho tới các hạn chế áp lên các công ty và quan chức hai bên.
Chuyên gia Trung Quốc dự đoán chiến lược của ông Biden Trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post ngày 27-12, ông Diêm Học Thông, Giám đốc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại thuộc ĐH Thanh Hoa (TQ), nhận định mục tiêu chính sách của ông Biden nhiều khả năng sẽ tương đồng với ông Trump ở chỗ tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của TQ, thu hẹp tương quan sức mạnh giữa hai bên. Thậm chí, theo ông Diêm, “ông Biden có thể sẽ áp dụng chiến lược kiềm chế tinh vi hơn so với ông Trump và điều này có thể gây ra khó khăn quốc tế lớn hơn cho TQ”. Cũng theo học giả này, điều tốt nhất cho cả Mỹ lẫn TQ là hai bên phải chính thức thừa nhận mình là đối thủ cạnh tranh của nhau. “Nếu không công nhận rằng cạnh tranh là cốt lõi của quan hệ Trung - Mỹ và chỉ nói chuyện về hợp tác thì kết quả sẽ là cuộc đàm phán trống rỗng và không thể đạt được sự hợp tác. Bản chất mối quan hệ hai nước đã thay đổi và nếu mối quan hệ này không được thảo luận từ góc nhìn cạnh tranh, các vấn đề tồn đọng sẽ không được giải quyết” - ông Diêm nhận định. |
Trong bối cảnh nói trên, nếu TQ không có biện pháp khắc phục hiệu quả mối quan hệ trượt dốc với Mỹ và phương Tây thì năm 2021 nhiều khả năng sẽ không phải là một năm dễ chịu với TQ. Mỹ và các đồng minh thời gian qua đã bắt đầu có dấu hiệu chuyển sang đối đầu với TQ bằng cách liên kết, hình thành các liên minh, tổ chức để tạo thành một khối đoàn kết thay cho những nỗ lực đơn phương. Năm 2020 đánh dấu sự can thiệp đáng kể của Mỹ và các đồng minh vào khu vực mà TQ thường coi là “sân nhà” như Biển Đông qua các công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của nước này lên Liên Hợp Quốc. Quyền tự trị của Hong Kong, lâu nay được xem là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa phương Tây với TQ, cũng trở thành mục tiêu để phương Tây phản pháo Bắc Kinh khi sẵn sàng mở cửa đón dân đặc khu này sang tị nạn chính trị.
Không chỉ các nước lớn mà cả những cường quốc tầm trung lẫn các nước đang phát triển cũng đang xem lại mối quan hệ với TQ cùng mức độ phụ thuộc kinh tế vào cường quốc châu Á này. Đơn cử, Quốc hội Úc hồi tháng 11 đã cho thành lập một ủy ban chuyên trách đánh giá quan hệ thương mại giữa hai bên. Giới chuyên gia Úc cũng đã nhiều lần gửi thư kêu gọi Canberra phải tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm tỉ trọng của thị trường TQ, tăng tỉ trọng thị trường các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Trước các động thái của TQ và phản ứng của các nước, nhiều nhà quan sát cho rằng kể cả khi vị thế dẫn đầu thế giới của Mỹ sụt giảm ít nhiều trong năm nay thì bước sang năm 2021, TQ cũng đừng kỳ vọng thế giới sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của mình.•