vĐồng tin tức tài chính 365

Chính sách tiền tệ năm 2020: Những dấu ấn nổi bật

2020-12-29 08:58

Năm 2020, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, cộng hưởng với đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Quá trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ (CSTT) của các quốc gia nhanh chóng đảo chiều sang nới lỏng, các chương trình kích thích tài khóa quy mô lớn chưa từng có không cứu vãn được kinh tế toàn cầu chìm sâu vào suy thoái hơn cả Đại suy thoái 1930 với mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sâu - 4,4% theo dự báo tháng 10.2020 của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Trong nước, dịch cúm lợn, thiên tai, lũ lụt, xâm nhập mặn… bồi thêm cú sốc đến nhiều mặt đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của hệ thống chính trị, nước ta đã khắc phục khó khăn để vươn lên mạnh mẽ, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Dấu ấn điều hành CSTT năm 2020

Những kết quả nổi bật trên đây có sự đóng góp lặng lẽ, nói ít làm nhiều của ngành Ngân hàng. Các giải pháp tiền tệ, tín dụng hỗ trợ ứng phó với các cú sốc nêu trên đã được NHNN chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ đà phục hồi tăng trưởng.

NHNN điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ kinh tế ứng phó với tác động bất lợi của các cú sốc. Nghiệp vụ thị trường mở (mua/bán tín phiếu) được điều hành linh hoạt để chủ động kiểm soát tiền tệ, lạm phát, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thanh khoản hệ thống. Đồng thời, phối hợp đồng bộ với việc ổn định tỉ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) theo các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của CSTT trong kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỉ giá và lãi suất thị trường.

Nhờ đó, dù Dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao kỷ lục nhưng lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 3,51%, dưới mục tiêu 4% của Quốc hội; lạm phát cơ bản bình quân đạt 2,43%, cho thấy hiệu quả điều hành CSTT linh hoạt, đóng góp tích cực vào việc giảm áp lực lên lạm phát bình quân chung trong khi vẫn có dư địa hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát ổn định đã tạo lập nền tảng vững chắc duy trì niềm tin của cộng đồng đầu tư đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, thu hút FDI.

Năm 2020, NHNN đã điều chỉnh giảm 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành mạnh nhất (Philipines: -2%; Thái Lan: -0,75%; Malaysia: -1,25%; Indonesia: -1,25%; Ấn Độ: -1,15%; Trung Quốc: -0,3%)

Bên cạnh đó, NHNN thể hiện điều hành tín dụng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, tập trung vào SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro... từ đó kiểm soát tiền tệ và lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Các chương trình, chính sách tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay hỗ trợ nhà ở... đạt kết quả khả quan, góp phần phục hồi tăng trưởng bền vững và an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hàng loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng, chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch bệnh đã được NHNN chỉ đạo triển khai kịp thời. Nhờ đó, mặc dù cầu tín dụng suy giảm nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19, nhưng từ tháng 9.2020 tín dụng tăng trở lại, đến ngày 10.12.2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,02% so với cuối năm 2019.

NHNN cũng điều hành, công bố tỉ giá trung tâm biến động linh hoạt hằng ngày, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và hấp thu các cú sốc đối với nền kinh tế. Đồng thời, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, điều chỉnh tỉ giá mua/bán và sẵn sàng mua/bán ngoại tệ với TCTD để bình ổn thị trường và kinh tế vĩ mô.

Những kết quả tích cực trên đây về giữ vững ổn định vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn... đã cho thấy các giải pháp ngành Ngân hàng là đúng hướng, tác dụng thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” và thành tựu của đất nước.

Mặc dù vậy, thị trường thế giới diễn biến bất thường, đặc biệt đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và hệ thống ngân hàng trong nước, nên tín dụng tăng thấp hơn dự kiến; tăng trưởng kinh tế đạt thấp (mặc dù là số ít quốc gia có tăng trưởng dương); lạm phát vẫn chịu áp lực khó lường từ giá cả thế giới, thiên tai, dịch bệnh, áp lực nợ xấu hệ thống ngân hàng gia tăng từ tác động của đại dịch... là những thách thức to lớn trong thời gian tới.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2021

Với những thành tích đạt được trong năm 2020 và bộn bề công việc đặt ra cho năm 2021, công tác điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đòi hỏi phải bám sát diễn biến trong, ngoài nước để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của Quốc hội, Chính phủ.

Theo đó, điều hành CSTT phải chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chỉ đạo các TCTD phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của doanh nghiệp, người dân góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Xem thêm: odl.780668-tab-ion-na-uad-gnuhn-0202-man-et-neit-hcas-hnihc/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chính sách tiền tệ năm 2020: Những dấu ấn nổi bật”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools