Bà Q.H.L. được trao vương miện hoa hậu cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 nhưng lại tố cuộc thi có dấu hiệu lừa đảo - Ảnh: NVCC
Trước đó, dư luận còn chưa hết ngán ngẩm với những lùm xùm như Miss baby Việt Nam thi hoa hậu nhí chui, tước danh hiệu Người đẹp du lịch Quảng Bình vì làm mất uy tín, hình ảnh cuộc thi...
Nghị định 144 mới được ban hành, sắp có hiệu lực thay thế nghị định 79 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn từ ngày 1-2-2021 lại "thả" cho các cuộc thi sắc đẹp được tự do hơn khi không còn hạn chế số lượng các cuộc thi sắc đẹp được cấp phép hằng năm, dồn phân cấp về cả cho địa phương.
Điều này dấy lên lo ngại liệu các cuộc thi người đẹp có loạn thêm?
Muôn kiểu... hoa hậu, nữ hoàng
Còn nhớ, năm 2019 dư luận được phen "ngã ngửa" với một danh hiệu người đẹp mà không biết phải hiểu thế nào - Nữ hoàng văn hóa tâm linh.
Đây là một trong số 11 danh hiệu nữ hoàng của các ngành nghề khác nhau trong chương trình tôn vinh những hội viên của Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam năm 2018.
Tuy nhiên, giấy mời của chương trình năm 2019 cho công chúng hiểu đây là một cuộc thi sắc đẹp mà không được cấp phép.
Thực tế, chương trình năm 2019 này nhận đơn xét trao các danh hiệu nữ hoàng, á hoàng của các hội viên và có thu phí mỗi hồ sơ 10 triệu đồng, dự định xét trao vương miện nữ hoàng, á hoàng của mỗi ngành nghề và một danh hiệu cao nhất là Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam với vương miện trị giá tới 1,8 tỉ đồng của nhà tài trợ.
Dù ban tổ chức khẳng định đây không phải là một cuộc thi sắc đẹp nhưng cách thức tổ chức, vinh danh, trao vương miện khiến công chúng hiểu đây là một cuộc thi người đẹp.
Chương trình cuối cùng đã phải dừng tổ chức bởi Sở VH-TT Hà Nội khẳng định chỉ cấp phép cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật chứ không phải một cuộc thi người đẹp.
Cùng cách thức này, tháng 10 vừa qua, chương trình Miss Baby Việt Nam tại TP Huế với đủ các phần thi trình diễn áo dài, trang phục, thi ứng xử cũng xướng tên "Miss Baby" và kêu gọi ủng hộ tiền để hoa hậu nhí sau đăng quang đi làm từ thiện ở miền Trung nhưng ban tổ chức lại xin giấy phép tổ chức... trình diễn thời trang trẻ em. Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh sai phạm của chương trình, Thanh tra Sở VH-TT Thừa Thiên Huế đã xác minh vụ việc và xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Để xã hội tự điều chỉnh
Với nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn bỏ hoàn toàn các quy định về hạn chế số lượng các cuộc thi người đẹp và tất cả đưa về địa phương quản lý, ông Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam của báo Tiền Phong - e ngại rằng tình hình có thể sẽ xấu hơn.
"Một điều mà tôi đã từng phát biểu là chúng ta phải chú ý đến đặc điểm của nước ta. Đó là danh hiệu hoa hậu và các danh hiệu cao khác trong cuộc thi hoa hậu tạo ra cho người đoạt giải rất nhiều cơ hội, nhiều hơn hẳn so với ở nhiều nước trên thế giới.
Và điều đó tạo ra nhiều lợi ích khiến các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở nước ta rất hấp dẫn, nhất là đối với những đơn vị, cá nhân tiếp cận việc tổ chức cuộc thi thuần túy theo hướng kinh doanh" - ông Sơn nói.
Chưa kể, theo ông Sơn, nghị định mới "nhiều khả năng gây khó hơn về mặt thủ tục cho những cuộc thi lớn được tổ chức nghiêm túc với các hoạt động xã hội, hoạt động đồng hành diễn ra ở hàng chục địa phương.
Như vậy, thay vì xin phép một lần như trước đây, các cuộc thi lớn sẽ phải xin hàng chục giấy phép?".
Trong khi đó, ông Phạm Cao Thái - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - cho rằng các quy định chặt chẽ trong việc cấp phép tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nghị định 79 đã không giúp giải quyết cái gốc của vấn đề và không còn phù hợp với tình hình mới.
Ông tin rằng "thả" ra cho các cuộc thi sắc đẹp trong nghị định 144 sẽ khiến hoạt động thi người đẹp sẽ bớt loạn hơn.
Ông Thái lý giải các cuộc thi sắc đẹp thực chất là một hoạt động kinh doanh giải trí của doanh nghiệp, việc quản lý bằng cấp phép không giúp "dẹp loạn" hiệu quả mà nên để xã hội tự điều chỉnh, sàng lọc sẽ tốt hơn.
Khi không còn những thủ tục hành chính kiểu xin - cho sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có năng lực tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp uy tín. Khi xã hội có nhiều cuộc thi người đẹp chất lượng, các cuộc thi kém chất lượng sẽ ít đất sống hơn.
"Trong lĩnh vực quản lý văn hóa, Việt Nam đang đi theo hướng quản lý mới, bỏ cấp phép, tiền kiểm mà ban hành các quy định pháp luật với những hành lang pháp luật rõ ràng và tăng cường hậu kiểm. Nếu đơn vị nào làm luộm thuộm, các thí sinh sẽ tẩy chay. Nếu lừa đảo, mua bán giải, các cơ quản lý sẽ vào cuộc xử lý theo pháp luật" - ông Thái nói.
Chi hàng tỉ đồng để thi hoa hậu
Bà Q.H.L. - người vừa được trao vương miện hoa hậu cuộc thi Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 - bức xúc cho biết bà đã phải chi hàng tỉ đồng cho cuộc thi này và các thí sinh khác cũng vậy, với danh nghĩa chủ doanh nghiệp tài trợ cho cuộc thi.
Theo bà Q.H.L., cuộc thi được tổ chức quá luộm thuộm. Ngày thi chung kết, thí sinh bị "lùa" từ TP Vũng Tàu về TP.HCM để tổ chức vội vã vì Vũng Tàu không cho phép tổ chức.
Tại phim trường Hy Vọng ở TP.HCM, khoảng 20 trong tổng số 40 thí sinh dự thi được "lùa" lên sân khấu nhận vương miện cho mỗi danh hiệu (chứ không phải chỉ một vương miện hoa hậu).
Ban tổ chức cam kết cuộc thi được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép nhưng ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng cục này và ông Phạm Cao Thái - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - cùng khẳng định cục và bộ chưa từng cấp phép cho cuộc thi này.
Thanh tra bộ đã gửi thông báo mời Công ty Khổng Tước Entertainment lên làm việc theo đơn tố cáo của công dân.
Trước dư luận cho rằng Việt Nam đang "loạn thi hoa hậu", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức thi hoa hậu trên phạm vi toàn quốc.