Đà Nẵng muốn xây khu xử lý hơn 800 tỉ đồng để giải quyết khủng hoảng rác
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – HĐND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết số 333/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công tại thành phố, trong đó có chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Bãi rác Khánh Sơn là bãi xử lý rác thải duy nhất của thành phố Đà Nẵng nên sẽ rất khó khăn nếu dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng bãi rác hoặc các dự án khu xử lý rác mới không triển khai kịp thời. Ảnh: TTXVN |
Dự án nằm tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, gần bãi rác tập trung lớn nhất thành phố - bãi rác Khánh Sơn.
Với công suất thiết kế 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, dự án khi đi hoạt động vào năm 2023 sẽ xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt; sau khi đốt thu được điện năng, tro bay và rỉ lò để sản xuất gạch không nung; Mùn hữu cơ được tái chế sản xuất thành phân bón hữu cơ; Rác thải nhựa được tái chế thành hạt nhựa; viên đốt nhiên liệu RDF.
Với tổng diện tích dự án 29.059 m2 và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 823 tỉ đồng, dự án sẽ có doanh thu từ sản phẩm sau xử lý rác (phân compost, hạt nhựa, viên đốt nhiên liệu, gạch không nung, kim loại bán cho cơ sở tái chế) và doanh thu từ dịch vụ xử lý rác thải.
Thời gian hợp đồng dự án đề xuất kéo dài không quá 25 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó, thời gian thực hiện dự án không quá hai năm.
Trước đó, vào cuối tháng 11, UBND thành phố thống nhất hồ sơ đề xuất dự án Đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn theo hình thức đầu tư PPP của Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco.
Để bảo đảm tiến độ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2023, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất tiến độ chi tiết trên cơ sở rút ngắn tối đa thời gian.
Theo đó, dự kiến tổ chức lập và trình phê duyệt dự án đầu tư trong quí 1 của năm 2021; lập hồ sơ đấu thầu, tham mưu công tác đấu thầu chậm nhất trong quý 3 của năm 2021 để sớm triển khai xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, đối với dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng (công suất 650 tấn/ngày) của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam, hiện công ty đã hoàn thành thủ tục thẩm định công nghệ; xác định đơn giá tạm tính; lập quy hoạch tỉ lệ 1/500; lập phương án hướng tuyến công trình lấy nước; lập và thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Hiện công ty đang trình thành phố điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 cho Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Đà Nẵng) để thực hiện dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 2 (sau khi góp vốn với nhà đầu tư nước ngoài).
Được biết, bãi rác Khánh Sơn có diện tích 13,83 ha, hằng ngày tiếp nhận và chôn lấp hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt cùng hàng trăm tấn rác thải y tế và công nghiệp cho toàn thành phố Đà Nẵng. Khu chôn lấp gồm sáu hộc, nước rỉ rác thu gom bằng hệ thống ống đặt ngầm dưới các hộc rác và bơm lên hệ thống xử lý trước khi xả ra môi trường. Và hiện nay, chỉ còn hộc số 6 và đến tháng 10-2023 sẽ không còn chỗ đổ rác.
Theo dự báo lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2025 khoảng hơn 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng 2.400 tấn/ngày và đến năm 2040 khoảng hơn 3.000 tấn/ngày.