Sáng 29.12, Cục Thống kê Đà Nẵng đã công bố các chỉ số kinh tế xã hội thành phố năm 2020. Đơn vị này nhận định, kịch bản tăng trưởng năm 2021 của Đà Nẵng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế ít chịu tác động của dịch bệnh như nông nghiệp, thuỷ sản…
Với cơ cấu kinh tế Đà Nẵng hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65% trong GRDP, có thể nói tăng trưởng của toàn nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, phục hồi ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới vẫn được đặt lên hàng đầu.
Với lĩnh vực công nghiệp, do phụ thuộc khá nhiêu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên Đà Nẵng có khả năng sẽ là địa phương tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới không được khống chế.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu dưới nhiều hình thức, phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng dịch COVID-19; thực hiện tốt việc cắt giảm thời gian, chi phí, đơn giản hóa hành chính, tạo thuận lợi trong khâu thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; triển khai có hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chương trình đưa hàng về các khu dân cư, tổ chức các phiên chợ Hàng Việt Nam ở nông thôn.
Đặc biệt, trong bức tranh tối màu của kinh tế Đà Nẵng năm 2020, trong khi các lĩnh vực đều giảm sâu thì sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản lại phát triển ổn định. Đây cũng là lĩnh vực ít chịu tác động của dịch bệnh.
Dù vậy, đây lại là lĩnh vực chiếm tỷ trọng thấp nên Đà Nẵng cần đẩy mạnh phát triển năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác hải sản; tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Song song với đó, thành phố cần tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng ổn định, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm.
Về nông nghiệp, thành phố cần đẩy mạnh tái cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, hữu cơ và an toàn thực phẩm; tiếp tục công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Ngoài ra, Cục Thống kê cũng đề nghị thành phố cần thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng chất lượng tín dụng, tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại ngày, công nghiệp từ các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao gồm công nghiệp công nghệ cao; điện tử; công nghiệp ô tô; cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng thiết yếu, có giá trị gia tăng cao (dược phẩm, thực phẩm, đồ uống, thời trang...).
Xem thêm: odl.081668-hneb-hcid-gnod-cat-uihc-ti-cuv-hnil-oav-gnurt-pat-nen-gnan-ad/et-hnik/nv.gnodoal