Trạm dừng chân Hoàng Yến sau tháo dỡ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đây là những trạm dừng chân được hình thành trái phép trên đất rừng, hành lang an toàn đường bộ do các cá nhân từ tỉnh Lâm Đồng sang thực hiện.
Theo UBND huyện Bắc Bình, có 4 trạm dừng chân và 2 hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ Sông Lũy, hành lang an toàn đường bộ để xây dựng trái phép. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm khoảng 6.400m2.
Trạm dừng chân Như Anh sau tháo dỡ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các công trình sai phạm trên được xây dựng và tồn tại trong thời gian dài. Lý giải về việc chậm trễ xử lý các công trình này, địa phương cho rằng đã nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng do khu vực hiểm trở, nằm cách xa trung tâm, các hộ dân thường lợi dụng trời tối lén lút xây dựng… nên không phát hiện kịp thời.
Trạm dừng chân Hoàng Yến xây dựng trái phép trước đây - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đồng thời, quá trình lập hồ sơ xử lý ban đầu đã sai sót nên địa phương phải hủy quyết định xử phạt, tiến hành xác minh lại các tình tiết vụ việc vi phạm theo quy định.
Sau khi chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, chủ cơ sở vi phạm các công trình này đã thu dọn, thanh lý vật dụng để trả lại đất lấn chiếm.
Trạm dừng chân Panorama sau tháo dỡ tại khu vực đèo Đại Ninh, quốc lộ 28B thuộc xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các cơ sở Ponorama, cà phê Như Anh và trạm dừng chân Hoàng Yến là 3 công trình cuối cùng được chính quyền tổ chức cưỡng chế.
Như vậy, đến nay UBND huyện Bắc Bình đã hoàn tất việc cưỡng chế, tháo dỡ 6 cơ sở trái phép gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Diện tích đất bị lấn chiếm được UBND huyện Bắc Bình bàn giao lại cho chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý.
Trạm dừng chân Như Anh xây dựng trái phép trước đây - Ảnh: ĐỨC TRONG
Công tác quản lý đất đai khu vực đèo Đại Ninh, dọc hai bên tuyến quốc lộ 28B đang được chính quyền địa phương tăng cường nhằm chống tái lấn chiếm sau cưỡng chế cũng như phát sinh trường hợp mới.
Quốc lộ 28B là tuyến đường ngắn nhất nối giữa hai trung tâm du lịch là TP Phan Thiết (Bình Thuận) và TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đèo Đại Ninh là khu vực giáp ranh hai địa phương, có nhiều khúc cong cua, dốc lớn… đồng thời quan cảnh đẹp nên các cá nhân đến lập trạm dừng chân, điểm "check in". Đáng chú ý, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở khi mưa lớn.
TTO - Khi huyện Bắc Bình chuẩn bị ban hành quyết định cưỡng chế thì phát hiện các biên bản xử lý ban đầu có nhiều sai sót nên phải hủy toàn bộ, xác minh lại từ đầu khiến việc xử lý các trạm dừng chân 'chui' trên đèo Đại Ninh bị chậm theo.