Grab hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống mở sạp hàng online
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Ngày 29-12, Grab Việt Nam công bố triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống chuyển sang kinh doanh trên nền tảng trực tuyến (online) của GrabMart.
Từ nền tảng này, các tiểu thương có thể tiếp cận thêm lượng khách hàng mới và tận dụng nền tảng giao hàng rộng khắp của Grab để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Grab hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống mở sạp hàng online. Ảnh minh họa: Thành Hoa. |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, các chợ truyền thống đang bị đặt dưới áp lực phải chuyển đổi số để duy trì hoạt động. Xu hướng tiêu dùng chuyển từ offline sang online ngày càng rõ nét kéo theo nhu cầu mua sắm online tăng vượt bậc, trong khi các tiểu thương chợ truyền thống lại thiếu hẳn kinh nghiệm, công cụ và nguồn lực để chuyển đổi số.
Do đó, Grab Việt Nam triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống mở sạp hàng online trên GrabMart để không bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số.
Các tiểu thương có thể mở sạp hàng online trên GrabMart, từ đó tiếp cận được với nền tảng khách hàng rộng lớn và mạng lưới đối tác giao hàng rộng khắp của Grab. Họ cũng có thể tận dụng ưu thế công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh trên nền tảng số của Grab, siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam, để có thêm đơn hàng và tăng thêm doanh thu.
Các đối tác tài xế có thêm cơ hội nâng cao thu nhập khi có thể vừa chở khách, giao thức ăn, giao hàng hóa, giao nhu yếu phẩm. Trong khi đó, người dùng có thêm một lựa chọn mua các mặt hàng thiết yếu đa dạng như rau, củ, quả, thịt, cá, sữa, hoa tươi... từ các sạp hàng tại chợ truyền thống một cách tiện lợi, an toàn và nhanh chóng chỉ trong vòng 1 giờ.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Với sáng kiến số hóa chợ truyền thống, từ nay đến hết Tết Tân Sửu, Grab cam kết thực hiện các hoạt động hỗ trợ truyền thông, khuyến mại để tăng nhận diện thương hiệu cho chợ truyền thống trên GrabMart với tổng ngân sách dự kiến lên đến hơn 5 tỉ đồng. |
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là với các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline. Họ cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Trên thực tế, từ tháng 9 vừa qua, Grab đã thử nghiệm đưa chợ truyền thống lên nền tảng GrabMart tại Đà Nẵng và Hà Nội với những kết quả bước đầu rất tích cực, và số lượng đơn hàng trung bình hằng ngày vào tháng 12 này gấp 2 lần so với tháng trước đó.
Hiện tại, GrabMart đang mang đến lợi ích này cho gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM, bao gồm chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Ngọc Khánh, chợ Hữu Tiệp, chợ Linh Lang, chợ Cống Vị, chợ Bưởi (Hà Nội); chợ Hàn, chợ Cồn (Đà Nẵng); chợ Hòa Hưng, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Mỹ, chợ Tân Bình (TPHCM).
Grab Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021.
Xem thêm: lmth.enilno-gnah-pas-om-gnoht-neyurt-ohc-gnouht-ueit-ort-oh-barg/212213/nv.semitnogiaseht.www