ASEAN nên lạc quan hay chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất trong năm mới 2021?
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á sẽ có những lộ trình hồi phục hoàn toàn khác nhau trong năm tới. Trong đó, Việt Nam, Indonesia và Malaysia được dự báo sẽ đạt được mức trước khi dịch bùng phát. Riêng các nền kinh tế Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ phải vật lộn trên con đường hồi phục.
Khách đi bộ đeo khẩu trang trong khu trung tâm ở thủ đô Kuala Lumpur. Dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong quản lý nhà nước ở Malaysia, Indonesia và Philippines. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, về tổng thể, một số nhà quan sát cho rằng Đông Nam Á cần phải chuẩn bị cho tình trạng tồi tệ nhất trong năm 2021 khi các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm, và tình hình dịch bùng phát ở một vài nước trong khu vực.
Cuối cùng là sự quan tâm chính trị và kinh tế của Mỹ dành cho ASEAN không phải là “ưu tiên số một” bởi nước này sẽ tập trung vào y tế và hồi phục kinh tế nội địa, và các mối quan hệ kinh tế chính trị với các nước đồng minh.
Việt Nam dẫn đầu về mức tăng trưởng trong khối ASEAN
Hãng phân tích Nikkei đã tổng hợp các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tổng sản lượng trong nước (GDP) và lấy số liệu năm 2019 làm đường cơ sở hay cột mốc là 100 điểm. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt hơn 100 điểm cho năm 2021, có nghĩa là ba nền kinh tế này đạt mức tăng trưởng trong năm tới so với trước khi dịch bùng phát năm 2019.
Việt Nam được dự báo dẫn đầu nhóm này với chỉ số tăng trưởng có thể đạt 108,4. Hãng đánh giá tín dụng S&P Global dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% giá trị thực trong năm tới, sau khi tăng 2,91% trong năm nay. Đây là mức tăng cao nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nước duy nhất ghi nhận tăng trưởng kinh tế thực sự - tăng trưởng dương – trong năm 2020, nhờ thành công nhanh chóng trong kiểm soát dịch Covid-19.
“Nhiều công ty toàn cầu đang đổ xô đến Việt Nam. Đây là cú hích cho xuất khẩu”, ông Yuta Tsukada thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định. Ông cũng ghi nhận xu hướng dời hãng xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước ASEAN khác có chi phí sản xuất thấp hơn, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung vẫn tiếp tục kéo dài.
Indonesia đứng thứ hai với chỉ số tăng trưởng 104,5. Đạo luật việc làm được thông qua vào tháng 11 vừa rồi được kỳ vọng sẽ mang lại mức độ tự do cao hơn cho doanh nghiệp và giúp thu hút dòng vốn nước ngoài.
Với chỉ số 101,3, Malaysia sẽ có nhóm ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử hồi phục khi kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo ổn định sau dịch. Trong khi đó, các đầu tàu kinh tế một thời của ASEAN là Singapore, Thái Lan và Philippines được cho là sẽ không vượt qua cột mốc 100 cho đến năm 2022.
Chiếm khoảng 20% GDP nền kinh tế quốc gia, ngành du lịch Thái Lan không có triển vọng tươi sáng trong năm tới. Sau đợt dịch ở tỉnh Samut Sakhon, các khả năng gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh và cách ly với du khách quốc tế vẫn là dấu hỏi. Xuất khẩu xe hơi, cột trụ của nền kinh tế Thái Lan, cũng được đánh giá khó lòng quay về mức 2019.
Trong khi đó, triển vọng chi tiêu của người dân ở Philippines rất không rõ rệt do doanh số bán xe hơi và hàng hóa lâu bền đang giảm dần. Ngành du lịch của Singapore có thể sẽ chậm hồi phục dù rằng đảo quốc này tích cực tìm cách mở cửa biên giới quốc gia theo mô hình “bong bóng du lịch”, kích hoạt trở lại ngành hàng không và du lịch.
Một xưởng may tấm trải giường ở Hà Nội. Các nhà phân tích cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm mới sẽ đứng đầu khu vực và đạt mức tốt hơn trước dịch. Ảnh: Reuters |
Tốt hơn không có nghĩa là tốt hay hoàn hảo
Các dự báo có thể đo lường bằng các con số thể hiện triển vọng kinh tế tương đối không bi quan của khối Đông Nam Á trong năm 2021. Bởi chỉ có ba nước tươi sáng, ba nước bớt suy thoái và bốn nền kinh tế còn lại - Myanmar, Lào, Campuchia và Brunei - không có sức bật đáng kể trong dịch bệnh hay bị chìm trong tình trạng tăng vọt lây nhiễm mà Myanmar đang phải đương đầu.
“Đông Nam Á phải chuẩn bị cho khả năng tồi tệ nhất trong năm 2021. Khu vực này có thể tăng trưởng tốt nếu tình hình không xấu đi”, ông Bilahari Kausikan, nguyên Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore bình luận trên Nikkei Asia.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho rằng Đông Nam Á đã kiểm soát dịch tốt hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, bên cạnh khu Đông Á. Nhưng tốt hơn không phải là tốt hay hoàn hảo, và dịch Covid-19 làm lộ ra những thất bại trong quản lý nhà nước ở Indonesia, Malaysia và Philippines.
Các loại vaccine được tung ra vào những ngày cuối năm. “Nhưng vaccine không thể là thuốc trị bá bệnh cho quản lý nhà nước yếu kém. Các quốc gia này sẽ phải chật vật để tránh tình trạng bị dịch nhấn chìm”, ông Kausikan nhận định.
Các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra. Thiệt hại kinh tế sẽ gia tăng và cái giá phải trả cuối cùng chưa thể lượng giá được. Dịch bệnh thúc đẩy quá trình số hóa. Các nền kinh tế tiên tiến hơn như Singapore có bước tiến dài hơn so với các đối thủ khác trong khu vực và cả trên thế giới. Các nước Đông Nam Á khác có thể được hưởng lợi từ xu hướng di dời hãng xưởng ra khỏi Trung Quốc.
“Nhưng đó chỉ là khả năng có thể mà thôi, không phải là sự chắc chắn. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của các chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, xóa đi những bất cập cơ sở hạ tầng cứng và mềm, và nuôi dưỡng hệ sinh thái các ngành công nghiệp hỗ trợ. Cùng lúc đó, sự bất định của các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến mọi người nghi ngờ về giai đoạn kế tiếp của tham vọng hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông nói.
Chìa khóa thành công của các quốc gia và khu vực nằm trong tay chính phủ các nước. Họ phải từ bỏ chủ nghĩa quốc gia kinh tế vốn đã trở nên mạnh mẽ hơn ở từng quốc gia thành viên ASEAN bởi dịch bệnh gia tăng áp lực. “Cần phải có nỗ lực đáng kể để ngăn tình trạng này ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước Đông Nam Á. Triển vọng này sẽ không mấy lạc quan”, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore phân tích.
Trong khi tình hình chính trị ở Việt Nam và Lào ổn định, các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan đối diện với tình trạng bất ổn chính trị trầm trọng. Triển vọng của Philippines và Myanmar luôn không rõ ràng, nhất là khi Myanmar chuẩn bị bầu cử tổng thống trong năm 2022. Thậm chí ở Singapore, một thế hệ các nhà lãnh đạo mới chắc chắc sẽ có “tinh thần bài ngoại” trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị có vẻ đang bị trì hoãn.
Cuối cùng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có thể đề cập nhiều hơn về Đông Nam Á. Nước Mỹ sẽ bớt “nói xấu” về các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Nhưng nội các của ông Biden sẽ tập trung vào xây dựng quan hệ đồng minh và họ sẽ xếp ASEAN vào ưu tiên hạng hai trừ phi khối này có thể tập trung ý chí chính trị và hành động tập thể để ủng hộ các mục tiêu của Mỹ”, ông Kausiken viết.
Ông cũng nói rằng Chủ tịch luân phiên Brunei trong năm tới sẽ là “đôi tay lành nghề và an toàn”. Tuy nhiên, Brunei sẽ khó đưa ASEAN tiến về phía trước.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ ưu tiên tập trung cho y tế nội địa và thiệt hại kinh tế do dịch gây ra. Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao của ông Biden sẽ giống như chính phủ tiền nhiệm của ông Donald Trump, tức là sẽ ưu tiên cho những người bạn lớn và các nước đồng minh. “Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều hơn ASEAN”, ông khẳng định.