Nguồn gốc của virus corona chủng mới đến nay vẫn là bí ẩn - Ảnh: CNN
Khi Trung Quốc báo cáo những ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 31-12-2019, căn bệnh được mô tả là một dạng "viêm phổi bí ẩn", nó thậm chí chưa có tên gọi.
Trong vòng 2 tuần, các nhà khoa học Trung Quốc giải mã xong bộ gen của virus. Ba tuần tiếp theo, những bộ xét nghiệm đầu tiên ra đời. Và hơn 11 tháng kể từ lúc WHO nhận được báo cáo, những người đầu tiên đã được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trong hoàn cảnh cấp bách khi hàng tỉ sinh mạng bị đe doạ, tốc độ nghiên cứu được đẩy nhanh chưa từng thấy. Nhưng sau một năm, với hơn 81 triệu ca nhiễm và 1,7 triệu cái chết trên toàn cầu, vẫn còn nhiều thứ con người chưa biết về căn bệnh COVID-19.
"Chúng ta đã tìm hiểu được rất nhiều, nhưng nếu nói để hiểu cho tường tận chúng ta vẫn còn xa xôi lắm. Căn bệnh này sẽ khiến các nhà virus học và giới chức y tế bận rộn trong vài chục năm nữa", ông Maureen Ferran, giáo sư sinh vật thuộc Viện Công nghệ Rochester (New York), bình luận.
Dưới đây là một số câu hỏi lớn chưa có lời đáp về COVID-19, tổng hợp của Đài CNN.
1. Virus corona chủng mới bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc của virus (SARS-CoV-2) bị che phủ bởi một rừng thuyết âm mưu và đấu đá chính trị. Ban đầu, con virus có vẻ liên quan đến một khu chợ động vật ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng một số nghiên cứu sau đó phản biện giả thuyết này.
Một số người, bao gồm Tổng thống Donald Trump, nghi ngờ virus cố tình được thả ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, trong khi nhà khoa học nói có nhiều bằng chứng cho thấy virus có nguồn gốc từ hoang dã.
Sau này, người ta phát hiện virus đã xuất hiện ở Mỹ và châu Âu từ tháng 12-2019, sớm hơn vài tháng so với ước đoán. Mặc dù điều này không khẳng định được gì, báo chí Trung Quốc nhân cơ hội thúc đẩy quan điểm rằng virus có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc.
Có vài điều hầu hết các nhà khoa học đồng ý. Thứ nhất, SARS-CoV-2 là một loại virus thuộc nhóm corona - nhóm virus gây ra nhiều bệnh từ cúm thông thường cho đến viêm hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Thứ hai, virus này có nguồn gốc động vật, có nghĩa con người nhiễm từ loài động vật nào đó. Một số nghiên cứu chỉ ra dơi có thể là vật chủ vì loài này nổi tiếng mang nhiều virus corona trong cơ thể.
Nhiều nhà khoa học vẫn tin virus đã nhảy sang người ở Trung Quốc - nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, nhưng họ không rõ sự kiện này xảy ra ở địa điểm cụ thể nào, khi nào và ra sao.
Theo giáo sư Ferran, nguồn gốc của virus corona có thể mãi mãi là bí ẩn, vì suy cho cùng hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày virus Ebola được phát hiện, các nhà khoa học vẫn chưa biết nó đến từ đâu.
2. Tại sao có người bệnh nặng, người bệnh nhẹ?
Khi COVID-19 mới xuất hiện, nó được xem là một căn bệnh đường hô hấp. Nhưng nhiều tháng trôi qua, hàng loạt triệu chứng và biến chứng khác của bệnh bộc lộ rõ hơn.
Nhiều bệnh nhân bị mất cảm giác ngửi/nếm, có người nôn ói hoặc tiêu chảy, có người ngón tay/ngón chân bị đổi màu. Một số thậm chí bị rối loạn nhận thức và tổn thương não.
Hiện tại, y học đã biết những bệnh nhân khỏi COVID-19 vẫn có thể bị triệu chứng hành hạ trong thời gian dài, bao gồm rối loạn lo âu, tổn thương não và mệt mỏi thưởng xuyên. Một nghiên cứu của Anh phát hiện khoảng 10% bệnh nhân có thời gian bệnh dài hơn 12 tuần.
Các nhà khoa học không biết những triệu chứng đó sẽ duy trì trong bao lâu, và họ cũng không thể giải thích tại sao một số người lại bệnh nặng hơn người khác.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine tháng 11 ghi nhận trường hợp kỳ lạ của 2 anh em song sinh 60 tuổi. Cả hai bị nhiễm COVID-19 nhưng một người được cho ra viện sau 2 tuần, người còn lại phải vô phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy.
Giới nghiên cứu nhận thấy tình trạng bệnh (nặng/nhẹ) ở mỗi người trông có vẻ như rất ngẫu nhiên, mặc dù một số người có nguy cơ bệnh nặng cao hơn nếu thuộc nhóm cao tuổi hoặc mang sẵn bệnh nền.
Có những lý do chúng ta không thể hiểu hết, một số người chịu đựng nhiễm trùng tốt hơn người khác... Nhưng tại sao tuổi tác khiến con người ta dễ tổn thương hơn? Chúng tôi có dữ liệu và biết đây là sự thật, nhưng chúng tôi không có câu trả lời đầy đủ"
Ông Peter Collignon, giáo sư Đại học quốc gia Úc
Bản đồ dịch COVID-19 tính đến ngày 29-12 - Ảnh: CNN
3. Virus lây ra sao?
Đầu năm 2020, sau một thời gian trì hoãn, Trung Quốc mới chịu thừa nhận virus corona có thể lây từ người sang người. Nhưng một năm trôi qua người ta vẫn còn tiếp tục tranh luận quá trình này chính xác diễn ra như thế nào.
Ban đầu, các nhà khoa học nói con đường lây chính của virus là thông qua giọt bắn khi một người ho hoặc hắt hơi. Những giọt này rơi xuống các bề mặt xung quanh từ 1-2 mét, do đó khẩu trang có thể giúp ngăn chặn lây lan.
Nhưng sau đó những người khác phát hiện virus còn có thể lây qua những hạt aerosol cực nhỏ lơ lửng trong không khí nhiều giờ và đi xa cả chục mét. Đây lại là vấn đề lớn vì đường lây này cực kỳ khó đề phòng.
Ngoài ra, người ta chưa hiểu rõ cần lượng virus nhiều cỡ nào để một người nhiễm bệnh. Trẻ em phần lớn nhiễm bệnh không triệu chứng, nhưng chúng đóng vai trò thế nào trong sự lây lan?
4. Miễn dịch sau nhiễm duy trì trong bao lâu?
Hồi tháng 8-2020, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong xác nhận một người đàn ông 33 tuổi đã tái nhiễm COVID-19 sau 4,5 tháng kể từ lần đầu mắc bệnh. Kể từ đó nhiều ca khác đã xuất hiện rải rác trên thế giới.
Từ đó câu hỏi đặt ra là miễn dịch tự nhiên kéo dài trong bao lâu? Tương tự, miễn dịch từ vắc xin sẽ có thể kéo dài trong bao lâu?
Khoa học chưa có câu trả lời, lý do đơn giản là con người chưa sống chung với virus đủ lâu để biết.
Nhiều người lo lắng về tính an toàn của vắc xin, nhưng giới nghiên cứu lo hơn về con virus. Dù được đánh giá là ổn định so với virus cúm, không loại trừ khả năng trong tương lai virus corona đột biến mạnh, đủ để vượt qua tường bảo vệ của vắc xin.
Theo giáo sư Ferran, thời gian tiêm chủng càng kéo dài, cơ hội đột biến của virus càng lớn. Một số loại vắc xin mới dùng công nghệ mRNA cũng đặt ra câu hỏi liệu miễn dịch sinh ra có kéo dài như các loại vắc xin truyền thống không.
5. Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?
Sau tất cả, đây là câu hỏi quan trọng nhất.
Nhiều người trên thế giới đặt hết hi vọng vào vắc xin, nhưng phải nói rằng vắc xin không phải cây đũa thần. Sẽ mất nhiều năm để tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới - điều kiện cần để ngăn sự lây lan.
"Nhiều người nghĩ vắc xin sẽ mang lại 100% bảo vệ, nhưng không có vắc xin nào làm được điều đó. Thậm chí nếu ai đó đã được tiêm ngừa, khoa học vẫn chưa biết họ có thể lây cho người khác không dù bản thân không phát bệnh", giáo sư Collignon giải thích.
Nhiều khả năng sau khi tiêm chủng xong, con người vẫn sẽ phải sống chung với virus corona trong nhiều năm về sau. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một loại virus duy nhất bị vắc xin xoá sổ là virus đậu mùa, và cũng phải mất rất nhiều năm để điều này xảy ra.
Chung sống với virus trong bao lâu cũng tùy thuộc nhiều thứ, chẳng hạn nó có đột biến không. Nó có thể trở nên ít chết chóc và ít lây hơn, hoặc ngược lại là lây dữ dội hơn. Khả năng này có thể đã xảy ra với biến thể corona mới được phát hiện ở Anh gần đây.
"Điều làm tôi lo lắng khi chúng ta nói về những trận dịch khác trong tương lai, đó là chúng ta có rút đủ kinh nghiệm từ lần này để ngăn chặn một đại dịch mới?", học giả Jonathan Stoye, Viện Francis Crick (London), băn khoăn.
TTO - Đã gần một năm thế giới sống chung với đại dịch COVID-19, bất kể những thống kê u ám về dịch bệnh, vẫn còn nhiều người không nghĩ COVID-19 thực sự nguy hiểm.
Xem thêm: mth.55270340292210202-nol-ioh-uac-ueihn-auq-noc-av-man-1-nort-91-divoc/nv.ertiout