Suning Appliance Group hiện là cổ đông lớn thứ 3 của Suning.com, xếp sau nhà sáng lập Tập đoàn Suning và Alibaba - Ảnh: China Daily
Dù đa số dự báo đều nhận định nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 sẽ tăng trưởng hơn 8%, nhưng nhiều báo cáo vẫn không tính đến tác động từ nợ xấu.
Siết chặt kiểm soát
Vào ngày 11-12, nhiều nhà đầu tư đã thở phào khi thấy tin Suning Appliance Group, hãng bán lẻ hàng điện tử dân dụng lớn nhất của Trung Quốc, đã "chuyển tiền vào các tài khoản của hãng để mua lại trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào ngày 16-12".
Suning Appliance đã dần mất đi ưu thế của mình khi ngày càng nhiều người mua sắm trực tuyến. Công ty này có tổng khối nợ ngắn hạn lên đến gần 37 tỉ NDT (5,6 tỉ USD), tính tới cuối tháng 6-2020. Trong khi đó, hãng chỉ có lượng tiền mặt và đặt cọc khoảng 36,5 tỉ NDT, theo Nikkei Asia.
Khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn Suning (công ty mẹ của Suning Appliance) không phải điều gì mới. Tập đoàn này đã rải tiền vào các thương vụ thâu tóm lớn, bao gồm việc mua lại Hãng bán lẻ Laox (Nhật Bản), Câu lạc bộ bóng đá Inter Milan (Ý) và chi nhánh tại Trung Quốc của Hãng bán lẻ Carrefour (Pháp).
Nhiều nhà quan sát tại Trung Quốc cho rằng việc Tập đoàn Suning rơi vào cảnh vỡ nợ thực chất không phải vì quy mô nợ của họ, mà do các ngân hàng Trung Quốc không còn sẵn sàng mở rộng tín dụng như trước.
Thực tế Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn tới các tổ chức tài chính Trung Quốc, chính phủ có thể can thiệp vào quyết định cho vay cũng như vận mệnh của những tập đoàn như Suning.
"Gót chân Achilles"
Theo tờ China Daily, chính quyền Trung Quốc hôm 28-12 đã thống nhất bộ quy định về việc công bố thông tin liên quan tới trái phiếu tín dụng doanh nghiệp. Động thái này được cho là nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Bộ quy định mới do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia và Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc cùng công bố sẽ có hiệu lực từ 1-5-2021.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu tín dụng doanh nghiệp - bao gồm các công cụ nợ phi tài chính, cổ phiếu và trái phiếu - trong thị trường liên ngân hàng và các sàn giao dịch.
Cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa có quy định thống nhất về việc công bố thông tin liên quan tới cả 3 loại trên. PBOC tuyên bố những yêu cầu cụ thể trong quy định mới sẽ làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Về phần mình, các hãng tư nhân cũng có "gót chân Achilles", đó là các "bong bóng nợ" khổng lồ. Theo Nikkei Asia, tính tới cuối tháng 9-2020, tổng lượng tài sản của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết đã đạt 74.000 tỉ NDT (hơn 11.300 tỉ USD), tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng khoản nợ của họ cũng tăng với tỉ lệ tương tự.
Mặt khác, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm hơn 5% trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 9-2020. Lượng trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ đến giữa tháng 12 đã lên tới 190 tỉ NDT (29 tỉ USD). Cùng lúc đó, các ngân hàng tại đây đã yêu cầu xử lý các khoản nợ xấu nay lên đến 3.400 tỉ NDT (520 tỉ USD).
Suning Appliance bị vạ lây từ Alibaba?
Theo Nikkei Asia, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đang nắm giữ 20% cổ phần của Suning.com, một phần của Tập đoàn Suning Appliance. Một số cho rằng Suning Appliance đã vướng vào vòng vây siết kiểm soát của Bắc Kinh đối với Alibaba.
Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ "cấm các hành vi độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn không kiểm soát". Giới quan sát lo ngại điều này cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm giới hạn thị phần của các doanh nghiệp lớn độc lập, đồng thời tập trung nguồn lực vào chính quyền và các hãng quốc doanh.
TTO - Trung Quốc đã yêu cầu khối tư nhân thể hiện sự trung thành lớn hơn với đất nước trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này đối mặt với nhiều rủi ro, từ sự chia rẽ với Mỹ tới đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.51525938003210202-gnuhk-on-couq-gnurt-peihgn-hnaod/nv.ertiout