Trong năm 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến khá nhiều sự chuyển động thú vị. Grab vừa mới tung ra dịch vụ GrabMart đầu năm nay, khởi đầu với các siêu thị thực phẩm hiện đại và mới nhất vừa mở rộng sang các sạp ở chợ truyền thống. Vingroup, sau khi thoái vốn khỏi VinMart, đã chuyển sang phát triển VinShop – số hóa các cửa hàng tạp hóa. Bách Hóa Xanh thì rầm rộ mở siêu thị gần chợ vì tự tin có thể thu hút các khách hàng truyền thống.
Đã có tiểu thương của 13 chợ có mặt trên GrabMart
Theo Grab, dù các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đang trên đà phát triển mạnh mẽ, song các kênh truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa vẫn duy trì mức phát triển ổn định. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD/năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
"Trong Covid-19, dịch vụ đi chợ online phát triển rất mạnh. Khi các làn sóng Covid-19 chấm dứt, thói quen đó vẫn còn tiếp tục được duy trì.
Ngày 23/3, GrabMart đã triển khai tại TP. HCM, trong quý 3, dịch vụ này tăng trưởng 3 con số so với quý 2, tính theo lượng đơn hàng bình quân hàng ngày – nhờ mạng lưới kinh doanh liên tục được mở rộng, cùng ưu thế về lực lượng tài xế đông đảo. Ngoài ra, số lượng đối tác tham gia dịch vụ ở quý 3 tăng gấp 7 lần so với quý 2.
GrabMart cũng góp phần thúc đẩy xu hướng không dùng tiền mặt với 70% đơn hàng giao dịch trên đây được thanh toán online. Hiện GrabMart đang là đối tác của nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng lớn như BigC, Co.opXtra, Lotte, Farmers’ Market, Dalat Hasfarm…
Từ tháng 9/2020, Grab đã thử nghiệm đưa chợ truyền thống lên nền tảng GrabMart tại Đà Nẵng và Hà Nội, với những kết quả bước đầu rất tích cực, cùng số lượng đơn hàng trung bình hằng ngày vào tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó", bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, thông tin.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam
Cho tới thời điểm hiện tại, GrabMart đã hoàn tất số hóa công việc kinh doanh của khoảng gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP. HCM. Đà Nẵng có chợ Hàn và chợ Cồn; Hà Nội có chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Ngọc Khánh, chợ Hữu Tiệp, chợ Linh Lan, chợ Cống Vị và chợ Bưởi; TP. HCM có chợ Hòa Hưng, Bà Chiểu, chợ Tân Mỹ và chợ Tân Bình.
Grab Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gần 10 lần trước cuối năm 2021.
Hành trình không dễ dàng
Có thể nói, mục tiêu chính của Grab khi cho ra đời dịch vụ GrabMart chính là để số hóa các chợ truyền thống – điều chưa doanh nghiệp hoặc nền tảng nào tại Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.
"Thuyết phục tiểu thương ở các chợ là điều khá khó khăn. Như chúng ta đều đã biết, khi nói đến mua hàng ở chợ, người ta sẽ nghĩ đến ‘nói thách’, ‘chất lượng không ổn định’, ‘nhìn mặt định giá’… Nhưng, một khi đã lên GrabMart, thì các tiểu thương buộc phải theo những tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh của Grab.
Ngoài các giấy tờ quen thuộc như giấy phép kinh doanh hoặc chứng nhận nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn đề nghị các chủ sạp trong chợ đồng ý với những quy định khác như bảo đảm chất lượng tươi sống của thực phẩm, nếu không sẽ phải đổi hàng nếu khách hàng có nhu cầu, bán đúng giá, chấp nhận thanh toán online…Tôi cũng mong, sau khi hợp tác cùng GrabMart, chất lượng dịch vụ ở các chợ truyền thống cũng sẽ được nâng cấp.
Ngược lại, chúng tôi cũng phải cho các cô chú tiểu thương thấy, họ sẽ nhận lại được gì từ Grab nếu làm thế. Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu về người dùng trong khu vực, như số lượng người dùng, hành vi mua sắm, nhu cầu cụ thể từng ngày…; và bảo đảm là mỗi tiểu thương khi tham gia GrabMart sẽ tăng khách hàng cụ thể như thế nào", bà Hải Vân chia sẻ tiếp.
Tại TP. HCM, mới có 5 tiểu thương đồng ý hợp tác với GrabMart.
Tuy nhiên, kể cả thế thì khả năng đồng ý của các tiểu thương ở các chợ khá thấp, minh chứng là cho tới thời điểm này, họ mới thuyết phục được 5 tiểu thương ở 4 khu chợ ở TP. HCM đồng ý lên GrabMart.
Dù thế, Grab vẫn không nản lòng, dự định của họ là thuyết phục thành công mỗi chợ ít nhất 20 tiểu thương lên GrabMart, nhằm đủ số lượng phục vụ người dùng dịp Tết Nguyên Đán. Sau khi có đủ số lượng tiểu thương mỗi chợ, họ sẽ ra mắt dịch vụ kiểu ‘đi tour’ cho khách hàng như cách đi chợ truyền thống - "mua thịt cô Sáu nhưng mua rau ở chú Tư". Đối tượng mà Grab nhắm tới là các tiểu thương có sạp trong chợ, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng chứ không phải là các sạp hàng bất định.
Đây cũng là tín hiệu vui đối với bán lẻ truyền thống. Bởi với nguồn lực hạn chế, khả năng tiếp cận công nghệ thấp – khi thiếu cả công cụ và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ, nếu không có sự giúp sức của các công ty công nghệ, các tiểu thương có thể bị các mô hình kinh doanh hiện đại ‘nuốt chửng’.
"Chúng tôi có một vài mục tiêu khác khi triển khai mô hình này, ngoài kéo gần hơn khoảng cách giữa các người dùng trẻ đến các khu chợ truyền thống; còn để mở rộng phân khúc khách hàng lên lứa tuổi 40 – 50 và phục vụ cho tương lai của lượng khách hàng trung tâm - từ 30 đến 40 ở thời điểm hiện tại, trong 10 năm tới.
Nói chung là Grab không sợ khó, bởi trong thời điểm đầu tiên vào thị trường, tình cảnh của chúng tôi còn gian nan hơn bây giờ; song chúng tôi cũng đã vượt qua và phát triển ngày càng lớn mạnh", bà Hải Vân kết luận.
Với dịch vụ mới này - "như lệ thường" - Grab cũng sẽ dùng khuyến mại để thu hút người dùng, với ý định đổ ra khoảng 5 tỷ đồng vào các hoạt động hỗ trợ truyền thông và khuyến mãi để tăng nhận diện thương hiệu cho chợ truyền thống trên GrabMart.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị