Trước những lo ngại về tác hại của túi nilon hay hộp xốp sử dụng một lần với môi trường, thời gian gần đây rất nhiều bạn trẻ đã nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm túi, hộp từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Trong đó, cây chuối là một trong những nguồn nguyên liệu đang được ưa chuộng và sử dụng phổ biến.
Nếu như trước đó, một nhóm bạn trẻ tại TP. HCM đã gây sốt khi ép lá chuối thành hộp, đĩa đựng thức ăn thì mới đây, một nhóm sinh viên khác cũng vừa đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ ép thân cây chuối thành túi giấy.
Nhận thấy người dân Nam Bộ trồng rất nhiều cây chuối nhưng chỉ lấy quả, toàn bộ phần thân đều bỏ đi, các bạn sinh viên gồm Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Trần Út Thương (ngành Môi trường) và Lê Thụy Tường Vân (ngành Quản lý công nghiệp), thuộc đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM đã lên ý tưởng tạo ra sản phẩm có ích từ loại phế phẩm này.
Gian hàng trưng bày dự án của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Bạn Trịnh Ngọc Vân Anh cho biết: “Nhà em trồng rất là nhiều cây chuối, nhưng chỉ để lấy quả, còn thân chuối thì đem bỏ. Em đã thử suy nghĩ xem là có thể sử dụng thân cây chuối này để làm những sản phẩm có ích hay không.
Nhìn chung là giấy được làm từ Xenlulôzơ, bất kỳ cây nào có Xenlulôzơ đều có thể làm được giấy. Tuy nhiên độ dài sợi của Xenlulôzơ khác nhau nên sẽ tạo được giấy có độ dai và độ bền chắc khác nhau”.
Dưới sự giúp đỡ của giảng viên, Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết Nhung, các bạn trẻ đã bắt tay vào nghiên cứu và tìm ra được cách thức, quy trình sản xuất.
Theo đó, thân cây chuối sau khi được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời sẽ được cắt nhỏ với chiều dài khoảng 0,5 cm đến 1 cm rồi tiếp tục đem đi phơi hoặc sấy khô. Tiếp đến, đem trộn với Natri Cacbonat rồi nấu ở nhiệt độ 100 độ C. Sau đó, đem hỗn hợp này đi rửa, nghiền mịn và trộn với bột keo để thực hiện việc làm giấy.
Bột keo này cũng được làm từ các phụ phẩm nông nghiệp là những củ khoai đã bị hư hỏng.
Giấy sau khi được tạo ra có thể cung cấp cho các cơ sở sản xuất để tạo thành các sản phẩm đóng gói hoặc túi giấy. Những sản phẩm này hoàn toàn thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, lâu nhất cũng chỉ trong 1 tháng.
Túi và giấy làm từ thân cây chuối của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Tưởng đơn giản nhưng để nghiên cứu thành công, cả cô và trò đã phải thử nghiệm đến cả trăm lần mới tìm ra kết quả như ý. Hiện tại, dự án mới chỉ triển khai thủ công trong phòng thí nghiệm nên mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là giai đoạn sấy khô.
Tham gia cuộc thi SV-STARTUP 2020, dự án của cô trò trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM đã xuất sắc vượt qua 600 ứng viên khác để đạt giải nhất trị giá 100 triệu đồng. Nhóm cho biết sẽ dành số tiền này để mua máy móc, kiểm nghiệm mô hình.
"Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất bằng máy, chúng em muốn chuyển giao công nghệ tới địa phương để tiết kiệm giá thành vận chuyển. Chúng em mong muốn ở mỗi tỉnh trồng nhiều chuối có một cơ sở sản xuất nhỏ, kiểu như làng nghề, để thu gom thân cây chuối của người nông dân, sản xuất tại đó rồi bán những sản phẩm này", Vân Anh nói.
Ngoài các bạn sinh viên đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, một nhóm sinh viên khác của Đại học Văn Lang cũng đã thành công trong việc nghiên cứu và làm ra túi giấy, phân bón hữu cơ tận dụng từ thân cây chuối.
Túi giấy...
... và phân bón làm từ thân cây chuối của sinh viên Đại học Văn Lang.
Với quy trình thực hiện khá tương tự, sản phẩm tạo ra là những chiếc túi giấy giá từ 6.000 - 21.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ). Đồng thời, phần bên trong cây chuối còn được nhóm tận dụng làm phân bón hữu cơ, có giá chỉ 2.500 đồng/kg.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị