Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 29-12 cho biết Nhật Bản đã cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ và Anh về việc Trung Quốc bắt giữ và cưỡng bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo đó, dựa trên những thông tin này, chính quyền Mỹ đã tăng cường chỉ trích và cáo buộc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, nguồn tin cho biết.
Nước Anh cũng cùng với Mỹ thúc ép Bắc Kinh giải quyết những vấn đề xung quanh việc nước này đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Theo SCMP, động thái này cho thấy Nhật Bản đã âm thầm chia sẻ thông tin quan trọng với các đối tác của mình, trong bối cảnh chính phủ nước này được kêu gọi để gia nhập liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Liên minh tình báo Ngũ Nhãn bao gồm năm quốc gia là Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ.
Một tháp canh tại một cơ sở an ninh cao gần nơi được cho là trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương. Ảnh: AFP
Trước đó, vào tháng 1, một nguồn tin từ chính phủ Mỹ đã mô tả Nhật Bản như là “con mắt thứ sáu” của liên minh Ngũ Nhãn, khi năm quốc gia này tìm cách theo dõi chặt chẽ hơn các hoạt động của Triều Tiên bằng cách hợp tác với ba nước: Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc.
Nguồn tin nhận định nhờ vị trí địa lý gần với Trung Quốc và Triều Tiên và khả năng thu thập dữ liệu thông qua vệ tinh và tình báo, Nhật Bản gần như trở thành “con mắt thứ sáu” của liên minh.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản giải thích tất cả những gì họ làm là “theo dõi chặt chẽ tình hình với sự quan tâm vừa đủ”, SCMP đưa tin.
Nhật Bản đã luôn tìm cách duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất mà không làm tổn hại đến mối quan hệ với Mỹ, đồng minh an ninh của nước này, theo tờ báo trên.
Quốc kỳ Mỹ và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh vì những cáo buộc diệt chủng và tội ác chống lại loài người liên quan đến cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, như hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc, khiến căng thẳng giữa hai nước tăng cao.
Phó Tổng thống Mike Pence đã chỉ trích Trung Quốc nặng nề trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng 7-2019, cho rằng “Bắc Kinh đã bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam, nơi họ bị tẩy não suốt ngày đêm”.
Đầu tháng 12, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết lên án các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương và thúc giục các nhà lãnh đạo tổ chức Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan.
Phản bác lại, chính quyền Bắc Kinh gọi những lời chỉ trích của các nước phương Tây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ, theo SCMP.
Cũng trong tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khẳng định rằng các cáo buộc về việc Bắc Kinh cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là không chính xác.