Tổng giá trị của cổ phiếu Trung Quốc tăng thêm khoảng 4,9 nghìn tỷ USD trong năm nay, nhờ nền kinh tế nước này phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra, một loạt vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công, và đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu từ S&P Global Market cho biết tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại tất cả các sàn giao dịch trên thế giới, từ Thượng Hải tới New York, tăng thêm 41% trong năm nay, đạt 16,7 nghìn tỷ USD.
Mức tăng này vượt xa mức tăng mà tổng giá trị cổ phiếu doanh nghiệp Mỹ đạt được. Tính cả năm, tổng vốn hóa của các công ty Mỹ niêm yết trên toàn cầu tăng 21%, đạt 41,6 nghìn tỷ USD.
"Đây là một năm rất mạnh mẽ" của cổ phiếu Trung Quốc, Giám đốc đầu tư Brendan Ahern của KraneShares phát biểu. Ông nói, kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt, tâm lý ham thích của giới đầu tư toàn cầu đối với nhữn cổ phiếu tăng trưởng cao, và thị trường IPO mạnh mẽ là những nhân tố ủng hộ sự tăng giá của cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay. "Kết quả cuối cùng là sự tăng trưởng tương đối nhanh chóng trong quy mô thị trường vốn".
Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong phần vốn hóa tăng thêm của thị trường chứng khoán toàn cầu năm nay, theo số liệu từ S&P. Cả năm, chứng khoán toàn cầu tăng 16%, đạt 104 nghìn tỷ USD.
Đà tăng mạnh của vốn hóa doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra ngay cả khi Mỹ-Trung mâu thuẫn gay gắt trong hàng loạt vấn đề từ công nghệ, thương mại tới tài chính, cũng như Washington ra sức khuyến khích các quỹ lương hưu và các định chế tài chính khác của Mỹ thoái vốn khỏi cổ phiếu Trung Quốc.
Một dự luật mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn vào đầu tháng này có thể buộc các công ty Trung Quốc rút niêm yết khỏi các sàn giao dịch cổ phiếu ở New York nếu hồ sơ kiểm toán của các công ty đó không được cơ quan chức năng Mỹ thanh tra trong 3 năm liên tiếp. Chính quyền ông Trump cũng có bước đi nhằm cấm các tổ chức và cá nhân Mỹ đầu tư vào nhưng doanh nghiệp bị cho là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Động thái này khiến MSCI Inc và một số nhà cung cấp chỉ số khác buộc phải loại một số cổ phiếu Trung Quốc khỏi các chỉ số.
Bước tiến trong năm nay giúp củng cố vị thế của Trung Quốc với tư cách là thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng hơn 40% trong 2 chỉ số phổ biến của thị trường chứng khoán các nước đang phát triển, từ mức 30% cách đây 5 năm.
Chỉ riêng cổ phiếu Alibaba đã chiếm gần 7% trong chỉ số MSCI Emerging Index - một thước đo thị trường chứng khoán của 26 nước mới nổi - lớn hơn cả tỷ trọng của tất cả các công ty Brazil trong chỉ số này.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc có thể tăng trưởng 1,9% trong năm nay, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có được sự tăng trưởng trong năm đen tối này của kinh tế toàn cầu. Điều này củng cố niềm tin của giới đầu tư vào cổ phiếu các công ty Trung Quốc. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy giá trị nắm giữ cổ phiếu bằng Nhân dân tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng hơn 30% trong 9 tháng đầu năm 2020, đạt 404 tỷ USD.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá hơn 6% so với USD trong năm nay cũng giúp làm tăng giá trị nếu quy đổi sang USD của cổ phiếu định giá bằng Nhân dân tệ.
Cổ phiếu những công ty Internet lớn của Trung Quốc như Tencent, Pinduoduo, Meituan… tăng mạnh năm nay nhờ người tiêu dùng nước này đẩy mạnh xu hướng mua sắm trên mạng. Ngoài ra, tổng giá trị vốn hóa của các công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán trong năm nay đạt gần 1,3 nghìn tỷ USD, theo S&P.
Tất cả những yếu tố này giúp củng cố vị thế thị trường chứng khoán lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, của Trung Quốc đại lục. Tổng giá trị vốn hóa của cổ phiếu định giá bằng Nhân dân tệ niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến hiện đạt gần 11 nghìn tỷ USD.
Xem thêm: mth.59611627103210202-0202-gnort-dsu-yt-nihgn-5-nag-gnat-couq-gnurt-ueihp-oc-irt-aig/nv.ymonocenv