- Sẽ triển khai sáng kiến "Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”
- Bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng trong chuyển đổi số
Sáng 30/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Chuyển đổi số y tế. Đây là sự kiện do Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức.
Tới tham dự có có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Công khai giá đấu thầu, giảm 30% thủ tục hành chính
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế là một trong ngành có điểm sáng về chuyển đổi số và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân được tốt hơn. Đồng thời đang hết sức nỗ lực trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ để người dân được tiếp cận tất cả địch vụ y tế tiện ích, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Với việc chuyển đổi số y tế, đến nay 100% văn bản của ngành y tế đã được xử lý điện tử, 100% áp dụng chữ ký số. Trong lĩnh vực dịch vụ công, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia và là Bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn 5 năm mà Chính phủ giao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây ngành Y tế tiếp tục cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. “Ngành Y tế cam kết tới đây sẽ cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Long nói.
Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu |
Ngành Y tế đã công khai 62.438 giá dược phẩm (công khai giá bán lẻ ở nhà thuốc); 17.066 trang thiết bị, vật tư y tế được công khai để tránh mua bán lòng vòng, thổi giá và công khai 93.253 kết quả đấu thầu.
“Tới đây chúng tôi yêu cầu Sở Y tế trên toàn quốc phải công khai tất cả các kế hoạch đấu thầu và tất cả các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ y tế. Tới đây từng bước tất cả các điểm bán lẻ dược phẩm, thực phẩm chức năng cũng phải công khai giá để từng bước tạo thị trường lành mạnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Khai trương 3 nền tảng y tế thông minh
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã bấm nút chính thức khai trương 3 nền tảng: Mạng kết nối y tế Việt Nam, Hồ sơ sức khỏe cá nhân, Quản lý thông tin y tế cơ sở V20.
3 nền tảng trên do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT triển khai.
Mạng y tế Việt Nam là mạng nội bộ ngành Y tế, kết nối hơn 500 nghìn cán bộ y tế trên toàn quốc, giúp các bác sĩ hỗ trợ trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán, hình ảnh, điều trị để làm sao 1 bác sĩ tuyến trên sẽ kết nối hỗ trợ 4 bác sĩ tuyến dưới.
“Mạng này giúp cán bộ y tế tuyến dưới sẽ tự tin hơn khi chẩn đoán, điều trị. 100% cán bộ y tế toàn quốc tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo ông Long, thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng tạo lập được 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Bộ Y tế cũng đặt ra từ 1/72021, các cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú chính thức áp dụng bệnh án điện tử, không dùng hồ sơ giấy.
“Cán bộ y tế dành nhiều thời gian cho công tác khám chữa bệnh chứ không dành thời gian cho viết hồ sơ giấy”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu bấm nút khai trương 3 nền tảng y tế thông minh |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có trạm y tế xã có tới 78 quyển sổ, xã ít nhất cũng trên 30 quyển, mỗi ngày cán bộ y tế mất 75% thời gian trong ngày để ghi chép, chỉ có 25% thời gian dùng vào việc chuyên môn. Khi triển khai nền tảng Quản lý thông tin y tế cơ sở V20, Bộ Y tế sẽ điều hành 10.600 trạm y tế xã, từng bước xóa bỏ tình trạng hồ sơ giấy.
Các trạm y tế xã sẽ sử dụng 1 phần mềm duy nhất, tích hợp các phần đơn lẻ, thông tin sẽ được tích hợp đưa tới cơ quan quản lý là Bộ Y tế. Qua phần mềm này, Bộ Y tế sẽ biết tường tận các trạm y tế xã triển khai và thực hiện khám bệnh như ra sao. VNPT được lựa chọn là một trong những đơn vị tham gia xây dựng nền tảng Quản lý thông tin y tế V20 kết nối hơn 11.000 trạm y tế trên cả nước. Trong hơn 11.000 trạm thì VNPT triển khai hơn 7.500 trạm.
Cùng thực hiện nền tảng này, Viettel cũng cam kết, V20 sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số y tế của Việt Nam. Cắt giảm thời gian và lực lượng tại y tế cơ sở, tạo sự kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu cần thiết với y tế địa phương. Viettel hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, đảm bảo trong thời gian rất gần mỗi người dân sẽ có một trợ lý sức khỏe thông minh để hỗ trợ sức khỏe suốt đời.
Từ 1/7/2021 mỗi người dân sẽ có 1 bác sĩ riêng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Điều mà người dân cần nhất đó chính là được tư vấn, khám, chữa bệnh với bác sĩ giỏi mà mình tin tưởng nhất. Khi họ bị ốm hoặc gia đình có người găp vấn đề về sức khoẻ thì ai cũng muốn khám bệnh ở bệnh viện tuyến trên với bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao. Không chỉ vậy, từ lâu mỗi người dân đều luôn mơ ước được quản lý sức khoẻ, có bác sĩ riêng chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Hiện nay, hầu hết các cán bộ đều được chăm sóc sức khoẻ một cách kỹ lưỡng, khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, sức khoẻ của người dân lại chưa được quan tâm, chăm sóc kỹ càng như vậy.
Chính vì thế, chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại được tích hợp trên điện thoại thông minh, điển hình là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa. bệnh từ xa, người dân sẽ không phải lo lắng xếp hàng dài ở bệnh viện để chờ khám bệnh mà ngay lập tức sẽ được các bác sĩ tư vấn sức khoẻ trực tuyến.
Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, Bộ Y tế dự kiến tới ngày 1/7/2021, mỗi người dân sẽ có 1 bác sĩ riêng để chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh việc tăng cường chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo BHXH Việt Nam phải có kế hoạch sửa đổi chính sách thanh toán BHYT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trao cúp cho các đơn vị được vinh danh năm 2020 |
Hiện, chúng ta đã mở được diện bao phủ bảo hiểm ra toàn dân, so với 5 năm trước đây chi phí được chi trả khám chữa bệnh BHYT tăng gấp 2 lần. Khi người dân ốm, bảo hiểm thanh toán, còn khi khoẻ thì không có chính sách chi trả. Nếu người dân muốn khám, chữa bệnh thêm thì phải bỏ tiền túi. Ở nước ta là vậy nhưng tại các nước trên thế giới có chính sách chăm sóc sức khoẻ kỹ càng cho người dân cả trong trạng thái giữa ốm và khoẻ. Điển hình là việc thăm khám sức khoẻ định kỳ và khám sàng lọc. “Hiện nay, BHYT chưa thanh toán khám sức khoẻ định kỳ và khám sức khoẻ sàng lọc”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, tới đây BHYT phải xem xét, tính toán để chi trả chi phí này, đảm bảo cho người dân phòng bệnh, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí chữa bệnh về sau.
Ngoài ra, người dân rất cần được tư vấn để mua thuốc, uống thuốc theo đơn với giá cả, chất lượng, xuất xứ công khai, minh bạch. Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế, giá thuốc ở Việt Nam đang rẻ hơn rất nhiều so với các nước ASEAN. Bộ Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số y tế là chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong điều kiện chưa có nhiều kinh phí. Người dân phải biết tự phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đồng thời, được tư vấn tự động bằng chatbot để phòng bệnh.
Thời gian qua, ngành Y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân. Đến nay, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả bước đầu trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số toàn diện ngành Y tế phía trước còn rất dài và nhiều khó khăn. Điển hình là việc triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Mặc dù đã được triển khai cách đây hơn 4 năm nhưng Bộ Y tế vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với BHYT để thực hiện.
Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với BHYT để triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Có thể thấy, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin thực sự là công cụ hữu hiệu trong phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh.
Để thực hiện tốt chuyển đổi số y tế thì hành lang pháp lý và cơ chế tài chính đều phải sửa đổi. Ở bệnh viện, các loại máy móc, trang thiết bị y tế,… đều được hạch toán nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh cho người dân thì chưa thể hạch toán bởi hầu hết các bệnh viện chưa coi ứng dụng công nghệ thông tin là trang thiết bị y tế có tiêu hao.
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các đơn vị phải có cơ chế rõ ràng để thanh toán chi phí đối với các ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.