Thiết bị do thám không người lái dưới nước bị "bắt" gần biển Indonesia có hình dáng giống UUV Sea Wing của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Theo trang The Drive của Mỹ và báo Indonesia địa phương, thiết bị được ngư dân tên Saeruddin phát hiện một cách tình cờ ngày 20-12 ngoài khơi đảo Selayar thuộc tỉnh Nam Sulawesi. Thiết bị được giao nộp cho cảnh sát địa phương trước khi chuyển cho quân đội xem xét.
Bề ngoài thiết bị giống ngư lôi nhưng có cánh để điều hướng, khá giống với phương tiện không người lái dưới nước (UUV) Sea Wing do Trung Quốc chế tạo.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 2 năm qua Indonesia phát hiện một thiết bị lặn có hình dáng tương tự UUV Sea Wing của Trung Quốc.
Hồi tháng 1-2020, nhà chức trách Indonesia đã trục vớt một thiết bị gần đảo Masalembu, cách đảo Selayar khoảng 640km về phía tây. Trước đó vào tháng 3-2019, ngư dân Indonesia cũng tìm thấy một thiết bị tương tự ở phía bắc quần đảo Riau.
Trang The Drive lưu ý vị trí phát hiện các thiết bị nghi của Trung Quốc nằm gần những tuyến đường biển quan trọng nối liền Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về việc bị "mất" hay "lạc" UUV nào.
Tuy nhiên, có một thông tin đáng chú ý là vào tháng 12 năm ngoái, tàu nghiên cứu Xiangyanghong 06 của Trung Quốc đã triển khai 12 UUV Sea Wing tại một vùng biển phía đông Ấn Độ Dương.
Phía Trung Quốc khi đó khẳng định UUV này có tầm hoạt động lên tới 12.000km. Không loại trừ khả năng một trong các UUV gặp trục trặc và bị hải lưu đưa tới vùng biển Indonesia.
UUV Sea Wing được triển khai trong một hoạt động năm 2017. Theo báo South China Morning Post, đây là một cuộc thử nghiệm nhằm chứng minh UUV có thể hỗ trợ các hoạt động săn tàu ngầm - Ảnh chụp màn hình
Vị trí những nơi phát hiện UUV nghi của Trung Quốc trong 2 năm qua - Ảnh chụp màn hình
UUV Sea Wing được Viện khoa học quốc gia Trung Quốc sử dụng công khai từ năm 2014 để nghiên cứu đại dương. Các cảm biến được lắp đặt trên Sea Wing cho phép Trung Quốc khảo sát thủy văn hoặc vẽ bản đồ dưới nước. Những thông tin thu được có thể hữu ích với cả nghiên cứu dân sự lẫn quân sự.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã thiết lập hệ thống cảm biến, truyền thông tin trên Biển Đông trong nỗ lực phát hiện và theo dõi hoạt động của tàu ngầm nước ngoài. Truyền thông Trung Quốc trước đó cũng loan tin nước này sẽ xây dựng "Vạn lý trường thành dưới biển" nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia" trên Biển Đông.
TTO - Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay 21-12 thừa nhận đã mất một ngư lôi huấn luyện trong quá trình tập luyện trên Biển Đông hồi đầu tháng 12, song khẳng định không nhắm vào mục tiêu cụ thể nào.