Đại tá Nguyễn Thượng Lễ khẳng định nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu quản lý biên giới tỉnh An Giang để từng bước quản lý chặt chẽ, tốt hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đại tá Lễ cho biết ông nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu lực lượng biên phòng quản lý đường biên giới đã để xảy ra vụ việc gây lo lắng dư luận.
Tuy nhiên, ông Lễ cũng khẳng định ông đã chỉ đạo các đồn biên phòng rà soát lại toàn bộ đường biên giới để đề nghị lãnh đạo tỉnh An Giang ‘chi viện’ thêm quân sự, công an và thậm chí cả đoàn viên thanh niên lên biên giới đóng chốt với biên phòng nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập cảnh trái phép như sự cố vừa qua.
"Vì từ đây đến tết lượng người Việt có nhu cầu về quê ăn tết sẽ rất đông nên phải bố trí lực lượng dày đặc hơn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để nhập cảnh trái phép nữa. Mấy ngày nay tôi liên tục họp các đồn quán triệt rất kỹ về tinh thần trách nhiệm từng đồn, từng tổ, chốt. Còn tôi nhận trách nhiệm người đứng đầu để từ đó chấn chỉnh quản lý tốt hơn chứ không thể chối bỏ trách nhiệm được" - đại tá Lễ nói.
Bến đò xóm Chăm, xã Khánh Bình, huyện An Phú đưa khách qua sông Bình Di được lực lượng biên phòng đóng chốt bên kia sông giám sát chặt chẽ người qua lại - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo đại tá Lễ, biên giới ở An Giang giáp với Campuchia có chỗ là đoạn sông hẹp, có chỗ chỉ là đường bờ nhỏ chỉ vừa người đi. Ruộng hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia được người dân trồng xoài dày đặc và nhà cửa san sát nhau.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề tại sao bộ đội biên phòng tỉnh An Giang đã triển khai nhiều tổ, chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng lại để lọt người qua biên giới? Đại tá Lễ nói: "Khu vực Khánh Bình trước đây được đóng 6 tổ, chốt nhưng sau đó phía Campuchia phản ứng nên tháo gỡ và đóng chốt lùi vào phía sau nên chỉ thành lập nhiều tổ tuần tra lưu động 24/24.
Tuy nhiên, nếu họ cố tình nhập cảnh trái phép thì sẽ có nhiều cách để né lực lượng. Vì vậy, nhóm đó mới lựa lúc ban đêm vắng người rồi đi xuồng qua sông. Chúng tôi lo lắng nhất chính là người dân không đồng lòng ngăn nhập cảnh trái phép mà còn tiếp tay.
Vì nếu đồng lòng thì chắc chắn người nhập cảnh trái phép không thể qua sông Bình Di mà vào nội địa như vừa qua được. Sau tết, biên phòng được tăng quân và lực lượng, tôi sẽ bố trí bít các 'lỗ hổng' như vừa qua, sẽ không còn tình trạng nhập cảnh trái phép nữa".
Cũng theo đại tá Lễ, sắp tới UBND tỉnh An Giang sẽ yêu cầu lực lượng đoàn viên thanh niên tăng cường lên biên giới cùng với lực lượng quân sự, công an và dân quân tự vệ để cùng nhau siết chặt quản lý biên giới tốt hơn.
Đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và công an nắm chặt chẽ lại số lượng người chạy xe ôm, nhà nghỉ, nhà trọ và chạy xe hợp đồng để quản lý chặt hơn.
Từ ngày 1-1-2021, lực lượng biên phòng sẽ thành lập các đội kiểm soát người và phương tiện ra vào vùng biên giới.
Từ sau vụ 6 người nhập cảnh trái phép, lực lượng biên phòng An Giang đã tăng cấp độ quản lý cao hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Chúng tôi xác định nhóm người trên nhập cảnh ở khu vực xã Khánh Bình nhưng đến giờ vẫn chưa biết chính xác vị trí, con đường nào họ đi qua. Dự báo từ nay đến tết, lượng người Việt ở nước ngoài sẽ trở về Việt Nam nhiều hơn khi các nước tiếp giáp biên giới Việt Nam có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng làm sao bịt kín các lỗ hổng và bố trí dày đặc các tổ chốt đảm bảo không còn kẽ hở, để kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn" - đại tá Lễ nhấn mạnh.
TTO - Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang vừa ký quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra đường dây đưa người nhập cảnh trái phép liên quan đến bệnh nhân 1440.