vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19

2020-12-31 07:35

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ IMF, Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á. Tờ Asia Times nhận định, Việt Nam là một trong số ít những điểm sáng của bức tranh kinh tế ảm đạm toàn cầu, "được nhiều hơn mất" sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Hàng loạt các cơ quan truyền thông lớn như New York Times, Forbes, Bloomberg, CNN… cũng nhắc tới Việt Nam như một "điểm sáng" của thế giới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Nhưng trên hết, 2020 là năm của tinh thần, ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, của những chỉ đạo và quyết sách kịp thời; của những doanh nghiệp xoay sở "vượt bão", nơi các doanh nhân – "những người lính thời dịch" nỗ lực từng ngày trong cuộc chiến bảo vệ sinh kế.

Doanh nghiệp vượt khó từ chỗ "ăn đong" đơn hàng

Như những năm trước, vào khoảng tháng 9, Công ty May 10 đã nhận đủ đơn hàng sản xuất sơ mi, veston – những mặt có giá trị cao và là chủ lực, cho quý IV, thậm chí là quý I/2021. Tuy nhiên, năm nay mọi chuyện rất khác.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VTV vào tháng 9/2020, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 không ngần ngại dùng từ "ăn đong" để nói về những đơn hàng của công ty trong năm đại dịch.

Ông Việt cho biết, cho tới tháng 9, lượng đơn hàng quý IV và quý I/2021 của công ty mới chỉ đạt 50% năng lực sản xuất đối với sản phẩm veston và 60% với sản phẩm sơ mi.

"Chúng tôi phải ăn đong các đơn hàng theo tháng, thậm chí là theo tuần. Chúng tôi phải dùng từ ăn đong để thấy nhu cầu thị trường sụt giảm vô cùng nghiêm trọng", ông Thân Đức Việt bày tỏ.

Khó khăn bởi COVID-19, doanh nghiệp phải "ăn đong" theo tuần

Khi dịch bệnh tràn qua vào đầu năm, công ty phải đối mặt với 2 khó khăn lớn nhất. Đó là sự nguy hiểm của dịch bệnh. Doanh nghiệp vừa phải sản xuất vừa phải đảm bảo sức khoẻ cũng như sự an toàn cho 12 nghìn lao động. Khó khăn nữa đó là đột ngột mất nguồn cung do 50-60% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi thách thức nguồn nguyên liệu dần được giải quyết thì giữa tháng 3, May 10 lại đối diện với hàng loạt các đơn hàng bị dừng, hoãn, huỷ do dịch bệnh không cho xuất khẩu vào những thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong khi những thị trường này chiếm tới 80% doanh thu của công ty.

Làm thế nào để duy trì việc làm cho 12 nghìn lao động, làm sao để duy trì dòng tiền, nguồn cung khi thị trường sụt giảm; làm sao để vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa chống dịch... là những câu hỏi được đặt ra hàng ngày.

Để giải quyết bài toán, mọi biện pháp xoay sở đã được tính đến. Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để đảm bảo việc làm và tiền lương cho người lao động khi những đơn hàng truyền thống bị thiếu hụt, các doanh nghiệp đã phải chấp nhận "xoay sang làm các mặt hàng không phải chiến lược hay thế mạnh" dù có vô vàn khó khăn.

Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

CEO May 10 Thân Đức Việt nói dù "ăn đong" hàng tuần cũng không sa thải một công nhân nào

Từ veston, sơ mi, nhiều công ty dệt may đã phải chuyển sang làm những những đơn hàng dệt kim, đồ y tế như khẩu trang vải, khẩu trang y tế, bộ phòng chống dịch… Dù gặp khó từ tiến độ giao hàng, nguồn nguyên vật liệu, áp lực cạnh tranh, năng suất lao động… nhưng những giải pháp tình thế này giúp doanh nghiệp trụ vững, người lao động giữ được việc làm, vẫn có lương để trang trải cuộc sống.

Khả năng thích ứng, linh hoạt, chuyển đổi và kiểm soát rủi ro khi chuyển đổi sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10

Những cú bẻ lái ngoạn mục

Không chỉ với Dệt may, tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020, cũng phải gồng mình, vượt khó. Đứng trước bài toán sống, rất nhiều giải pháp linh hoạt đã được áp dụng, chỉ với mục tiêu: tồn tại trong dịch bệnh.

Tại buổi tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" COVID 19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp" do báo Người lao động được tổ chức vào ngày 12/10, rất nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ.

Để ứng phó với đại dịch, các công ty du lịch, vốn là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, đã ngay lập từ chuyển đổi cơ cấu dòng khách, tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để phục vụ nhu cầu nội địa, với chi phí hợp lý.

Công ty Du ngoạn Việt, cho biết, khi đại dịch COVID-19 đến, công ty đã chuyển từ chuyên làm dịch vụ ở phân khúc cao cấp, khách quốc tế sang phục vụ khách nội địa và vẫn tồn tại được với bí quyết "không bỏ trứng vào một giỏ". Chẳng hạn, chuyển đổi từ khách đi du lịch theo đoàn lớn trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sang tour nhóm nhỏ từ 4 - 8 khách, vẫn phục vụ đầy đủ các dịch vụ ăn uống, giải kèm trên tàu. Nhờ vậy, khách sạn 5 sao trong dịch vẫn đón khách liên tục.

Cái gốc của kinh doanh là bán hàng và bán hàng thì phải có người mua. Khi xã hội giãn cách trên quy mô toàn cầu, toàn quốc thì nhu cầu mua sắm giảm xuống ở mức kỷ lục. Điều này đã khiến doanh nghiệp gặp những khó khăn không thể tưởng tượng được cho các doanh nghiệp, doanh nhân

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NexTech


Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Ước tính Việt Nam mất 80% lượng khách du lịch quốc tế vì COVID-19

Cũng làm du lịch, Công ty Du lịch Việt đã có cú bẻ lái đầy ngoạn mục khi chuyển sang… làm khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và găng tay sau chuỗi thời gian đầy khốn khó phải bán nhà, bán xe để cầm cự.

"Ban đầu vay không ai cho, vì rủi ro lớn. Tôi phải nhờ người khác đứng tên vay ít tiền, huy động từ gia đình, anh em…", ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt nhớ lại.

"Giờ nói nghe đơn giản, nhưng quá trình chuyển đổi là quá trình cực kỳ gian khó, chúng tôi chuyển từ nghề du lịch, chỉ chuyên "chém gió" sang sản xuất sản phẩm. Đến nay, công ty cơ bản đang dần ổn định", ông Long nói thêm.

Năm đặc biệt với mục tiêu kép

Kể lại câu chuyện của công ty mình tại buổi tọa đàm để doanh nghiệp vượt bão, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên về xuất khẩu nông sản đã kể lại câu chuyện của công ty mình khi ban đầu còn tâm lý chủ quan vì dịch mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc.

"Dịch rồi cũng có lúc phải hết, chưa hết chúng ta phải chọn giải pháp sống chung, vì các nền kinh tế vẫn phải mở cửa trong tâm thế bảo đảm an toàn. Thế giới vẫn phải sống, tồn tại và phát triển. Chúng tôi tâm niệm vậy nên cố gắng đón đầu cơ hội, nhỡ khi có việc trở lại, guồng máy vẫn hoạt động tốt", ông Tùng nói.

Cũng trong câu chuyện của mình, ông Tùng đã bày tỏ lòng cảm kích Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã nỗ lực tạo điều kiện, đưa chuyên gia Mỹ về bằng máy bay riêng, có phòng khách sạn 5 sao theo yêu cầu để cách ly và làm việc ngay sau khi hết thời gian cách ly.

"Vì nếu không có chuyên gia Mỹ giám sát trong công tác chiếu xạ, trái cây không thể xuất đi Mỹ được", ông Tùng nói.

Việc đưa chuyên gia kiểm dịch thực vật của Mỹ tới Việt Nam của các cơ quan chức năng giúp việc kiểm dịch trái cây tươi của Việt Nam sang Mỹ được bình thường trở lại sau khi bị gián đoạn và hạn chế kể từ tháng 3/2020 do dịch COVID-19. Đây là một trong rất nhiều nỗ lực của của các Bộ ngành trong việc thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ: vừa an toàn trong chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Dịch rồi cũng có lúc phải hết, chưa hết chúng ta phải chọn giải pháp sống chung, vì các nền kinh tế vẫn phải mở cửa trong tâm thế bảo đảm an toàn

Phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tại kỳ họp Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu đều nhất trí khẳng định, năm 2020 là một năm đặc biệt. Từ dịch bệnh bùng phát đến thiên tai bão lũ, xâm nhập mặn nhưng Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu ấn tượng.

Năm 2020, phần lớn trong số 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đang tăng trưởng âm, thậm chí rơi vào suy thoái. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất điều hành 3 lần giảm trong 9 tháng đã kích thích kịp thời nền kinh tế từng bước vượt qua tác động của đại dịch COVID- 19.

Tổng kết về những bài học trong năm đặc biệt, đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) nhấn mạnh đến, sự phản ứng kịp thời của hệ thống chính trị khi. Khi COVID-19 vừa mới bùng nổ không lâu thì Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã ra lời kêu gọi; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính đến các gói hỗ trợ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 cùng với nhiều chỉ đạo, điều hành kịp thời giúp nền kinh tế trụ vững và phục hồi giữa sóng lớn.

Giữa tháng 5, trong bối cảnh "bình thường mới", Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị Diên hồng với các doanh nghiệp trên cả nước. Có chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", hội nghị có sự tham gia khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi qua hình thức trực tuyến.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm. Ông cho biết bây giờ là 1 giờ 19 phút và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được ký ngay sau đây và mang số 20.

Vững vàng "vượt sóng" lớn

Vợi sự vào cuộc toàn bộ hệ thống chính trị, sự kiên định trong "mục tiêu kép" vừa trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế, sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân trong cả nước, Việt Nam đã vượt qua năm 2020 một cách đầy ngoạn mục.

Dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong nhiều năm qua. Song World Bank đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 7.

Theo nhiều tổ chức, Việt Nam là điểm sáng kinh tế thế giới năm 2020 (Ảnh: Jim)

Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua. Với những thành quả đặc biệt, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ của chúng ta về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương hôm 28/12

Với quan điểm "không ngủ quên trên chiến thắng", cũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với đia phương, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành ngay từ đầu năm nay, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. 1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300.000 việc làm, "không có việc làm thì người dân thu nhập từ đâu", Thủ tướng lấy ví dụ.

Năm 2021, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP. Song Thủ tướng, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn.

"Hãy "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", hãy tiếp tục bản lĩnh, ý chí, khí chất của người Việt Nam và áp dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất kinh doanh và đời sống để nâng cao năng suất", Thủ tướng kêu gọi.

Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 9.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2020

Thùy An

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.65235535103210202-91-divoc-hcid-iad-auig-gnas-meid-ned-naut-gnut-gnod-na-peihgn-hnaod-ut-0202-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Việt Nam 2020: Từ doanh nghiệp “ăn đong từng tuần”, đến điểm sáng giữa đại dịch COVID-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools