Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nếu thông tư sửa đổi thông tư 01 của Ngân hàng (NH) Nhà nước chậm được ban hành, doanh nghiệp (DN) không được tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ..., nhiều DN sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn.
Doanh nghiệp và ngân hàng đều lo
Ông Đỗ Minh Cầm, phó giám đốc một công ty thương mại - du lịch và vận tải ở Vĩnh Phúc, kể chưa bao giờ các ngành dịch vụ, nhất là DN du lịch, kiệt quệ như năm nay. Doanh thu của DN, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 đã bốc hơi sạch.
Điều may mắn là DN này được NH giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho khoản vay 1,8 tỉ đồng, theo thông tư 01 của NH Nhà nước.
Tuy nhiên, do NH liên lạc và động viên DN tìm nguồn trả khoản vay này trước ngày 31-12 nên DN này đã xoay xở vay mượn người thân được 1 tỉ đồng để trả bớt nợ cho NH. "Với số nợ còn lại, DN thiết tha đề xuất Chính phủ, NH Nhà nước tiếp tục cho khoanh nợ, hoặc giữ nguyên nhóm nợ. Nếu nợ bị đẩy vào nhóm thành nợ xấu, DN không thể tiếp tục vay được vốn NH. Tài sản thế chấp sẽ bị NH tịch thu để phát mãi. Như thế DN sẽ hết đường sống để trả nợ cho NH" - ông Cầm nói.
Không chỉ DN, các NH cũng lo bởi nợ nhóm 2 tại các NH là con số không nhỏ. Trong khi đó, theo quy định, nếu nợ nhóm 2 quá hạn đến ngày thứ 91 là chuyển sang nợ xấu. Do đó, vị này đề nghị NH Nhà nước tiếp tục cho NH cơ cấu lại khoản nợ bị ảnh hưởng do COVID, bởi đây là nguyên nhân khách quan chứ không phải do DN yếu kém.
"Việc giãn nợ này không chỉ cứu DN, mà còn hỗ trợ cả NH có "cửa" thu hồi khoản vay khi DN có dòng tiền" - vị này nói.
Ông Trần Khải Hoàn, phó tổng giám đốc thường trực NH Nam Á, cho biết thông tư 01 được ban hành vào tháng 3-2020, trong đó cho phép cơ cấu lại số nợ mà khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 23-1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày công bố hết dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tại thời điểm thông tư này được ban hành, mức "tàn phá" của dịch Covid-19 vẫn chưa được hình dung hết. Hơn nữa, với ba đợt dịch vừa qua, các DN hầu như không còn sức để phục hồi.
"Nhiều DN rất lo lắng vì sợ bị nhảy nhóm nợ và rơi vào danh sách nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), sẽ rất khó tiếp cận với khoản vay mới. Các NH cũng lo vì nếu thông tư 01 sửa đổi không được ban hành kịp thời, NH sẽ phải trích lập dự phòng theo yêu cầu của kiểm toán và lợi nhuận năm nay sẽ bị ảnh hưởng" - ông Hoàn nói.
"Cứu" doanh nghiệp mới tạo việc làm
Trước đó, sau khi thông tư 01 được ban hành, các NH đã kiểm tra thực tế tại các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho DN có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều NH đã đề nghị NH Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung thông tư 01 theo hướng cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ được giải ngân sau ngày 23-1-2020.
Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ, kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ vì chưa biết dịch khi nào mới kết thúc. Trong đó, việc giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng DN và cá nhân được tiếp tục vay vốn là một trong những nội dung quan trọng mà NH Nhà nước lưu ý.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là Bộ Tài chính đề nghị các NH phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ và phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ nhằm hạn chế rủi ro, ảnh hưởng hệ thống NH trong tương lai... Do đó, cơ hội cho các DN được NH cơ cấu lại nợ là rất thấp.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng nếu thực hiện đúng góp ý của Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH sẽ tăng lên khoảng 3,51% trong năm 2021 (chỉ tính nợ xấu nội bảng), ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các NH. Do đó, rất cần sự đồng hành của các bộ ngành với NH Nhà nước nhằm hỗ trợ cả DN và NH.
"Cần cho phép hệ thống NH chưa trích lập dự phòng đầy đủ, căn cứ vào bản chất của khoản nợ, tránh tạo ra cú sốc đối với NH thương mại, tác động tiêu cực đến khả năng cung ứng tín dụng ra thị trường trong bối cảnh đang muốn phục hồi kinh tế" - TS Cấn Văn Lực nói.
Theo ông Lương Minh Huân - viện trưởng Viện Phát triển DN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN, bên cạnh việc tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay, các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần tiếp tục được cơ cấu thời hạn trả nợ, ít nhất là đến năm 2021.
Đặc biệt, Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ đặc thù cho những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng như du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn...
"Cần phải xác định cứu DN chính là hỗ trợ, đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho người lao động" - ông Huân nói.
Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc NH Nhà nước):
Doanh nghiệp phải được hỗ trợ để phục hồi
Dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 01 đang được trình Thủ tướng, với tinh thần vẫn phải tiếp tục cơ cấu theo hướng tạo điều kiện giãn, hoãn thời gian trả nợ cho những khoản nợ mà DN khó khăn. Tuy nhiên, cần phải có sự đồng thuận của Bộ Tài chính. Bởi nếu phải trích lập đầy đủ, NH sẽ gặp khó do vẫn giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng nếu không trích lập cũng không phản ánh đầy đủ vấn đề an toàn cho hệ thống sau này.
Do đó, tinh thần sửa đổi thông tư 01 sẽ hài hòa giữa việc tiếp tục cơ cấu nhưng phải trích lập dự phòng một cách hợp lý. Với DN đang có khoản vay đang được cơ cấu, việc cho vay mới hay không là do NH thương mại quyết định, sau khi đánh giá khách quan, chính xác khoản vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Sức khỏe của từng DN phải để NH thương mại đánh giá. Nếu khó khăn do những nguyên nhân khách quan, DN phải được hỗ trợ để phục hồi. Với DN yếu kém, NH cũng phải phản ánh đầy đủ để có cơ chế trích lập phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng (tổng thư ký Hiệp hội NH):
Cần có giải pháp linh hoạt
Việc DN mong mỏi được tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất là chính đáng. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai. Trường hợp DN quá khó khăn, nợ cũ đang được cơ cấu thời hạn trả nợ và chưa nhìn thấy khả năng trả nợ thì cần phải xem xét, đánh giá.
Bởi đã có nợ tiềm ẩn nợ xấu mà cho vay tiếp là cho vay dưới chuẩn. Nhưng nếu NH không cho vay mới, DN sẽ vô cùng khó khăn. Do đó, vấn đề là nên hỗ trợ DN bằng giải pháp nào. Có nên tiếp tục cho vay mới trong bối cảnh chưa biết khi nào DN kinh doanh có lãi để có khả năng trả nợ cho NH là một bài toán khó.
TTO - Sáng 1-11, HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM.
Xem thêm: mth.50843048013210202-nov-yav-auc-teh-ol-peihgn-hnaod/nv.ertiout