TTO - Năm 2020, ngoài thành công trong ngăn chặn đại dịch COVID-19, Việt Nam ghi dấu ấn mới trên bản đồ y khoa thế giới khi thực hiện thành công ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới, cùng nhiều ca ghép tạng đặc biệt...
Lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4-6-1992 ở Bệnh viện Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột, 28 tuổi. Đến nay, sau hơn 28 năm, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới.
Mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu.
Riêng năm 2020 có nhiều "kỷ lục" đáng nhớ, trong đó có ca ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam - một trong những tạng ghép được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng; ghép 23 tạng trong 13 ngày của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; ghép 5 gan trong 1 tuần của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…
Ngày 21-1, bệnh nhân Phạm Văn Vương đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay lấy từ người cho sống. Ca phẫu thuật do trực tiếp GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc bệnh viện, cùng các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật (Viện Chấn thương chỉnh hình) thực hiện.
Sau 8 giờ, ca ghép thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành và dần dần hồi phục, thích ứng với cơ thể mới, cử động và cầm nắm đồ vật chỉ sau 1 tháng ghép.
Được biết người hiến tay bị tai nạn ngày 3-1-2020, dẫn đến giập nát ở vùng cánh tay đến cẳng tay. Các bác sĩ đã hết sức cố gắng, điều trị trong 18 ngày nhưng không thể bảo tồn được cánh tay cho bệnh nhân (do mức độ thương tổn nghiêm trọng, có nguy cơ nhiễm trùng), buộc phải chỉ định cắt cụt cánh tay.
GS Nguyễn Thế Hoàng cho biết để có thể thực hiện ca phẫu thuật này, bệnh viện đã có 3 năm chuẩn bị các cơ sở pháp lý, khoa học và những thủ tục cần thiết liên quan đến vấn đề y đức, điều trị sau ghép...
Đánh giá về ca ghép, GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, cho biết: "Đây là một ca ghép tuyệt vời. Kỹ thuật ghép chân, tay đứt rời rất phức tạp, các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống vì hiếm có cơ hội chấn thương đứt rời chân, tay mà vẫn đủ điều kiện để ghép lại.
Muốn ghép cũng không ghép được vì nếu như không chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật, không quyết tâm thì không thể chớp được cơ hội ghép chân, tay cho người bệnh từ chân, tay đã buộc phải bỏ đi của người khác".
Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trên thế giới từ năm 1998 đến nay chỉ có khoảng 89 ca ghép chân, tay trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Các trường hợp được ghép đều lấy nguồn từ người cho chết não.
Tại các nước Đông Nam Á, đến nay chưa có một ca ghép chân, tay đồng loại nào được thông báo trong y văn thế giới. Đây là ca đầu tiên trên thế giới được tiến hành ngay tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tiếp nối thành công của ca ghép tay người cho sống đầu tiên trên thế giới, ngày 16-9, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục ghi dấu ấn là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á ghép thành công đồng thời hai cẳng tay cho một bệnh nhân nam 18 tuổi. Hiện tất cả các vết thương của người thanh niên này đều đã liền sẹo, chi ghép sống tốt.
Năm 2020, các trung tâm ghép tạng lớn tại Việt Nam như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Huế… đều ghi dấu với những kỷ lục đặc biệt.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30-8 đến ngày 12-9), bệnh viện ghép thành công 23 tạng gồm 3 tim, 4 gan, 16 thận, trong đó gồm 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não.
Và trong hai ngày liên tiếp (11 và 12-9), lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của bệnh viện thực hiện ghép tim cho hai bệnh nhân.
Ngày 28-9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cán mốc 1.000 ca ghép thận bằng ca thẫu thuật thay thận cho bệnh nhân Đ.X.T, 49 tuổi, ở Hà Nội. Chỉ 10 ngày sau phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, trở lại cuộc sống thường ngày.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày 16-9 các bác sĩ đã thực hiện thành công ca lấy, ghép đa mô tạng thứ 4. Các bác sĩ đã ghép hai phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép hai thận cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã ghép hai cẳng bàn tay cho một bệnh nhân bị cụt cẳng tay cả hai bên do tai nạn chất nổ. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia lấy và ghép tim cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim thể dãn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết đây thực sự là một "trận đánh" lớn. Sau 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và trong suốt hơn 10 giờ phẫu thuật, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chỉ đạo sâu sát quyết liệt, huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên của bệnh viện cùng với sự tham gia với 12 bàn mổ được phối hợp hoạt động đồng thời.
Liên tiếp trong 2 ngày (ngày 27, 28-10), Học viện Quân y đã thực hiện thành công 2 ca ghép ruột, đánh dấu Việt Nam chinh phục thành công kỹ thuật ghép ruột - một trong những tạng ghép được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.
Ngày 15-7-2020, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), sau 12 giờ phẫu thuật, gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại TP.HCM đã phối hợp tách rời thành công hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi - cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.
Đây là ca phẫu thuật phức tạp thứ 2 mà ngành y tế TP.HCM thực hiện sau ca mổ Việt - Đức 32 năm trước.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định đây là một ca phẫu thuật "rất thần kỳ". Bà nói "rất xúc động" và cảm ơn đội ngũ y bác sĩ "đã chứng minh cho người dân cả nước cũng như cho thế giới thấy được sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam".
Ca mổ cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh".
Trúc Nhi - Diệu Nhi được phát hiện dính nhau vùng bụng chậu, có chung một dây rốn vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Mẹ hai bé được mổ lấy thai chủ động lúc 33 tuần, cân nặng lúc ấy của cả hai bé là 3,2kg.
Sau khi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của hai bé, cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng trong đó nhiều tạng được coi là khó lĩnh vực ghép tạng.
Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối; mang lại những hi vọng, cùng cơ hội lớn vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân.
Xem thêm: mth.65265451172210202-man-teiv-y-hnagn-auc-cul-yk-man-0202/nv.ertiout