Xây dựng nông thôn mới góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo. Giai đoạn 2021-2025 cần triển khai 6 nhóm giải pháp.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các đề án, thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025 tổ chức mới đây (ngày 30.12), ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - đánh giá: Các địa phương đã chủ động trong việc triển khai các Đề án gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể, xây dựng thí điểm bộ tiêu chí của huyện nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với điều kiện nổi trội, đặc thù của từng địa phương.
Tùy đặc thù của địa phương, 4 huyện thuộc 4 tỉnh đã triển khai thí điểm các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, huyện Nam Đàn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”; Huyện Hải Hậu làm mô hình “Sáng, Xanh Sạch, Đẹp để phát triển bền vững”; Huyện Đơn Dương với mô hình “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh”; Huyện Xuân Lộc với mô hình “Sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.
Đến nay, sau 2 năm triển khai, huyện Nam Đàn đã đạt 29/42 tiêu chí (chiếm 69%); Xuân Lộc đạt 19/29 tiêu chí (chiếm 65,5%); Hải Hậu đạt 6/14 tiêu chí (chiếm 42,9%) và Đơn Dương đạt 10/29 tiêu chí (chiểm 34,4%)
Mặc dù việc thực hiện các bộ tiêu chí vẫn còn hạn chế song kết quả thấy rõ nhất là thu nhập của người dân tăng lên, giảm tỉ lệ nghèo. Cụ thể, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của Nam Đàn đạt 46 triệu đồng/người, Hải Hậu đạt 58,3 triệu đồng/người, Đơn Dương đạt 66,7 triệu đồng/người, Xuân Lộc đạt 61,6 triệu đồng/người; cao hơn đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cả nước (khoảng 40,5 triệu đồng/người). So với năm 2016, có 3 huyện tăng gần 1,3 lần (Nam Đàn, Đơn Dương, Xuân Lộc), 1 huyện tăng 1,7 lần (Hải Hậu).
Cũng trong 2 năm qua, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo tại huyện Nam Đàn giảm còn 1,46%; tại huyện Hải Hậu giảm còn 0,05%; tại huyện Đơn Dương giảm còn 0,99%. Đặc biệt, huyện Xuân Lộc không còn hộ nghèo từ năm 2018, huyện chỉ còn 434 hộ nghèo bảo trợ xã hội, chiếm 0,8%...
6 nhóm giảm pháp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm tới, cần triển khai 6 giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn;
Thứ hai, tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành và vượt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã giao trong giai đoạn 2016 - 2020; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Rà soát, cập nhật và ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (cấp thôn, bản, xã, huyện) phù hợp với từng giai đoạn. Ban hành hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và linh hoạt ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn bản) và phù hợp với từng nhóm địa phương (phấn đấu đạt chuẩn, đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt kiểu mẫu);
Ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...
Thứ tư, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các đơn vị cấp huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và cấp xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...
Thứ năm, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn vốn ODA và vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, các đối tác phát triển quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, trong đó chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình.
Xem thêm: odl.077668-nal-71-51-gnat-nad-iougn-pahn-uht-uam-ueik-iom-noht-gnon-hnih-om/et-hnik/nv.gnodoal