Anh Lợi sống hạnh phúc cùng vợ con trên chiếc ghe nay đây mai đó - Ảnh: THÀNH NHƠN
Mâm cơm ngày cưới chỉ có mấy con cá lóc, cá trê nướng và nồi canh chua được chòm xóm góp cho. Tui nắm tay cổ mà khóc như trẻ con vì từng nghĩ mình què quặt sẽ không cưới nổi ai.
Nguyễn Phước Lợi
Anh Nguyễn Phước Lợi (48 tuổi, quê xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) trải lòng với nụ cười hạnh phúc. Ngày Lợi khập khiễng đưa cô gái mù về ra mắt họ hàng cũng là ngày giỗ cha mẹ anh.
Cậu bé mồ côi
Nở nụ cười thật tươi, niềm vui mỗi ngày của Lợi bây giờ là bán hết 200 tờ vé số, để trở về chiếc ghe cùng người vợ mù và con trai kháu khỉnh 3 tuổi đang bi bô gọi ba má.
Buổi chiều, tôi ghé nơi đôi vợ chồng này hay neo ghe ở huyện Long Hồ thì họ đã rời đi hai ngày trước đó. Hỏi dân địa phương họ đi đâu thì không ai biết. "Thấy hai cái cầu nhỏ bắc xuống sông không? Chỗ đậu ghe vợ chồng thằng Lợi đó, nó ở gần ba tháng. Hôm kia thì nó dong ghe đi mất, hổng ai biết" - ông Nguyễn Thanh Tân, sống gần nơi Lợi đậu ghe, kể.
Tưởng chừng "vô duyên" thì chủ quán nước ven đường cho tôi biết nghe đâu vợ chồng Lợi đang đậu ghe dưới chân cầu Cái Ngang cách đây khoảng 10km. Tôi tìm đến, thấy ngay chiếc ghe nhỏ đóng bằng vật liệu tạm bợ, cũ kỹ mắc cạn do con nước ròng, đậu cặp theo chợ Cái Ngang (huyện Tam Bình, Vĩnh Long). Lợi đang lúi húi giăng lưới dưới sông, kiếm con cá cho bữa ăn gia đình.
"Tui dong ghe qua đây được hai ngày rồi. Đời tui hổng cố định nơi nào, đâu buôn bán được là thành nhà hết hà" - Lợi cười nói vọng phía tôi.
Lợi kể mình mất cả bốn người thân trong chiến tranh. Bom thả đúng miệng hầm trú ẩn làm cả cha, mẹ, cậu và ông ngoại chết. Ngày 13-10 âm lịch hằng năm là giỗ chung của gia đình. Che chắn cho con, mẹ Lợi bị ba mảnh bom cắt ngang bụng. Lợi cũng bị bom cứa ngang đùi, không đi đứng lành lặn như người bình thường và mồ côi cha mẹ khi mới hai tháng tuổi.
Lợi lớn lên trong tình thương của bà ngoại, sống cảnh nghèo khó khi nhà chỉ có hai công ruộng lúa nhưng năm trúng năm thất. Thương ngoại, 14 tuổi Lợi đã khập khiễng từng bước đi chăn vịt và cắt lúa mướn.
"Tui cắt lúa nhanh lắm, do chân bị tật nên cứ lê lết dưới mặt ruộng mà cắt, nhờ đó không mỏi lưng. Lúa rạp đất do mưa, người ta chê, tui thì mừng vì dễ cắt. Cắt lúa xong thì đi lùa vịt chạy đồng, lùa đi hết đồng này đến đồng khác. Thấy tui tật, người ta trả tiền công chỉ phân nửa so với người bình thường, nhưng tui hổng buồn bởi có đồng ra đồng vào lo miếng ăn là may mắn rồi" - Lợi cười kể.
Anh Lợi bán vé số mưu sinh tại chợ Cái Ngang, Vĩnh Long - Ảnh: THÀNH NHƠN
"Em mù thì kết duyên với tui đi"
24 tuổi, Lợi gắn đời mình với những tờ vé số và thấm thoát cũng ngần ấy năm Lợi gắn bó với việc này. Rong ruổi từ Đồng Tháp, Cần Thơ qua Trà Vinh, Vĩnh Long, cứ nghe đâu buôn bán được thì Lợi tìm đến, thuê nhà trọ rồi lãnh vé số đi bán. "Có nơi chỉ ở bán vài tháng do ế ẩm, nhưng cũng có nơi gắn bó hơn 5 năm như Sa Đéc, Long Xuyên" - Lợi chia sẻ.
Vé số cũng "kết duyên" cho Lợi với người vợ mù. Một ngày, Lợi nhìn thấy chị Trần Thị Thanh Tâm (39 tuổi, quê Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đang dò dẫm trên đường mời khách mua vé số. Hình ảnh người phụ nữ mù đi theo con gái bán từng tờ vé số khiến Lợi rung cảm vì cùng cảnh ngộ.
"Em bị mù thật không? Nếu em mù thì kết duyên với tui đi. Tui cũng tật nguyền, cũng khao khát có vợ có chồng lâu lắm rồi nhưng chưa tìm được ai hết" - Lợi chân tình trải lòng.
Chị Tâm, từng một lần đổ vỡ, đã không khỏi sốc khi nghe Lợi tỏ tình nhanh quá. "Trời, tưởng ổng khùng đó chớ. Ai đâu mới gặp tui lần đầu mà đòi làm vợ làm chồng" - chị Tâm nhớ lại.
Chị từ chối lời kết duyên "trên trời", nhưng Lợi không rút lui. Ngoài vé số của mình, hằng ngày anh đều ghé chỗ người phụ nữ mù nhận bán giùm 30 tờ. Hơn một tháng ròng, chị Tâm cũng cảm động trước tấm chân tình của người đàn ông cùng cảnh ngộ.
"Ba tháng sau, đúng ngày giỗ cha mẹ, tui đưa cổ về ra mắt mọi người. Mâm cơm ngày cưới chỉ có mấy con cá lóc, cá trê nướng và nồi canh chua chòm xóm góp cho. Tui nắm tay cổ mà khóc như trẻ con vì từng nghĩ mình què quặt sẽ không cưới nổi ai. Ngày xưa tui cũng từng thương một người, đã tổ chức đám nói nhưng trước cưới 18 ngày người đó ôm tiền bỏ đi" - Lợi xúc động kể.
Sau mâm cơm nghèo kết đôi vợ chồng, chị Tâm theo Lợi bán vé số mưu sinh. Thuê phòng trọ, hằng ngày anh đưa chị ra những tuyến đường lớn trên chiếc xe lăn cọc cạch của mình. Chị mù, ngồi một chỗ ngã ba, ngã tư, còn Lợi rong ruổi các tuyến đường với những tấm vé số. Hết vé, anh đến đón chị về.
Cuộc sống cứ thế trôi đi trong khó khăn nhưng đẫm tình yêu thương, san sẻ cho nhau của đôi vợ chồng khuyết tật.
Cuộc sống nghèo khổ, bấp bênh, họ từng xác định không sinh con. Nhưng rồi ông trời đã cho vợ chồng một cậu con trai trong lần chị ngừng thuốc tránh thai để điều trị bệnh.
Ngày vợ đẻ, Lợi đưa vợ lên xe lăn, lọc cọc chở vào tận bệnh viện. Nước mắt anh chảy dài vì mừng lẫn hồi hộp, lo lắng. Nghe số tiền nằm viện 14 triệu đồng, anh hoảng hốt bởi trong tay chỉ có vỏn vẹn 40 tờ vé số và đôi bông 3 phân vàng.
"Trời biết mình nghèo khó nên thương hay sao đó. Nhiều người hảo tâm, bác sĩ rồi bệnh nhân nằm viện góp tiền cho vợ mù, chồng què lo đủ cho con. Cả đời tui không bao giờ quên ân tình đó" - anh Lợi rưng rưng kể.
Có con, Lợi tiết kiệm dành tiền mua sữa cho con. Anh không thuê trọ, mà mua chiếc ghe cũ và bắt đầu cuộc sống lênh đênh "gạo chợ nước sông" để đỡ phải trả tiền nhà hằng tháng. "Trời thương, tui bán vé số 10 ngày mua được chiếc ghe 2 triệu đồng. Sau đó cứ mỗi bữa bán thì dành lại 50.000 đồng mua gỗ, bạt che chắn lại. Đỡ được tiền trọ mỗi tháng, có thêm tiền lo cho vợ con" - anh Lợi chia sẻ.
Vợ mù, con nhỏ hiếu động, nên Lợi rào chắn trước sau kỹ càng. Anh sợ con va đầu vào thành ghe nên đi xin mấy tấm mút ốp xung quanh. Mấy ngày nay, anh mua thêm bầy vịt nhỏ bỏ trước mũi ghe để cậu con có thứ thủ thỉ, nhìn ngó mỗi khi cha đi bán vé số xa. "Nó cũng nhắc nhớ tui nghề lùa vịt chạy đồng, nhớ những ngày gian khổ để cố gắng hơn vì vợ con" - Lợi nở nụ cười hiền lành tâm sự.
Người vợ mù đang dò dẫm dọn mâm cơm chiều, gọi chồng: "Anh ơi, mình ăn cơm đi cho nóng".
Mong vợ con có chỗ an toàn trên bờ
Chiếc ghe nhỏ, cũ kỹ, tạm bợ của đôi vợ chồng khuyết tật - Ảnh THÀNH NHƠN
Mỗi ngày, Lợi lãnh 200 tờ vé số, hôm nào không bán hết là anh chưa dám về dù trời đã khuya. Có con, anh thêm vất vả nhưng cũng có thêm động lực. "Tui gắng dành dụm, lên bờ mua miếng đất, dựng nhà cho vợ con ở. Đi mần yên tâm hơn, tui không còn thấp thỏm lo vợ mù, con thơ ở trên sông nước" - Lợi lại cười, nhìn về vợ con.
TTO - Sài Gòn đang nắng chợt mưa. Bà lão nhặt ve chai chạy vội vào hiên nhà trú mưa. Đôi trai gái đang đi làm cũng vội vào nép mình, tần ngần nhìn bà lão, rồi trao ổ bánh mì là phần ăn trưa của họ.
Xem thêm: mth.13084139013210202-yan-iod-ioc-o-uahn-ueiht-eht-gnohk-nav-ial-nohc-uen/nv.ertiout