Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành và chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh, TS Ngô Phương Lan trao giải nhì cho hai kịch bản 'Cu li không bao giờ khóc' của Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang và 'Thiên mạc hùng ca' của Nguyễn Thị Mai Phương - Ảnh: NGỌC DIỆP
Việc chọn những tác giả trẻ thuộc dòng phim độc lập để trao giải cho thấy sự thay đổi rất lớn về mặt quan điểm chọn kịch bản của Cục Điện ảnh.
Sáng 31-12, Cục Điện ảnh đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020. Cuộc thi được phát động từ ngày 14-9, trong khoảng một thời gian rất ngắn ban tổ chức nhận được 200 kịch bản.
"Đây là một con số kỷ lục so với các kỳ phát động trước đây. Lý do, có lẽ do dịch COVID-19 nên các biên kịch có thời gian hơn và vì cả chục năm chưa tổ chức thi kịch bản nên nguồn kịch bản trong dân nhiều", bà Ngô Phương Lan, trưởng ban chung khảo của cuộc thi, cho biết.
Ban giám khảo của cuộc thi đánh giá các kịch bản gửi về lần này đề tài đa dạng, có phim lịch sử, dã sử, đương đại, chiến tranh, hậu chiến, đề tài gia đình, thanh thiếu niên, vụ án… Về chất lượng, ban giám khảo đánh giá chưa có nhiều kịch bản thực sự nổi bật nên quyết định không trao giải nhất.
Hai kịch bản đoạt giải nhì của cuộc thi đã được trao cho hai tác giả trẻ, trong đó có kịch bản của Phạm Ngọc Lân, người theo đuổi dòng phim độc lập, từng có phim ngắn lọt vào những liên hoan phim quốc tế uy tín. Khi lên nhận giải, các tác giả trẻ đều bày tỏ sự bất ngờ và cảm kích trước sự cởi mở của ban tổ chức.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: "Cục sẽ cố gắng đưa hai phim đoạt giải nhì vào kế hoạch sản xuất phim của nhà nước vì đây là hai kịch bản thực sự chất lượng. Khi tổ chức cuộc thi này chúng tôi đã cố gắng tổ chức một ban giám khảo có tư duy cởi mở, để chọn những kịch bản mới mẻ, có khả năng đưa vào sản xuất. Năm 2021, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức cuộc thi kịch bản dành cho phim hoạt hình và phim tài liệu".
Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Vi Kiến Thành - Ảnh: NGỌC DIỆP
Sau lễ trao giải, ông Vi Kiến Thành chia sẻ với báo chí, Luật điện ảnh sửa đổi đang được soạn thảo sẽ có nhiều điểm cởi mở hơn. Thay vì giới hạn đề tài nhà nước chỉ đặt hàng phim lịch sử, chiến tranh, cách mạng, thiếu nhi... thì nay nhà nước đặt hàng những phim nhà nước cần trong từng thời kỳ, còn lại sẽ đa dạng hóa các đề tài.
Luật điện ảnh sửa đổi, bổ sung cũng sẽ cởi mở hơn về việc duyệt kịch bản phim, bỏ quy định phải có rạp chiếu mới được phát hành. Về duyệt phim, thì xu hướng sẽ là tiền kiểm với phim chiếu rạp, hậu kiểm với phim chiếu mạng.
Ông Vi Kiến Thành chia sẻ quan điểm: "Điện ảnh không nên và không thể trông chờ vào bao cấp nữa. Nhà nước sẽ chỉ đặt hàng những phim nhà nước cần, còn điện ảnh phải vận hành theo cơ chế thị trường. Điện ảnh phía Bắc phải phấn đấu làm sao phát triển như điện ảnh phía Nam. Phát triển bền vững là phải có phim hay thì mới có thể cạnh tranh được với điện ảnh nước ngoài".
Kết quả Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020
Giải nhì trị giá 50 triệu đồng: Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang; Thiên mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương.
Giải ba trị giá 30 triệu đồng: Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn của Phạm Thùy Nhân; Nổi loạn của Nhiếp Thị Hải Anh; Vầng trăng thơ ấu của Đặng Thị Thanh Bình.
Giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng: Đêm ả đào của Đặng Thu Hà; Kiếm gỗ và kiếm thép của Nguyễn Anh Tuấn; Me Tư Hồng của Huỳnh Bá Long.
TTO - 'Tiệc trăng máu' thu 43 tỉ, 'Kiều' công bố diễn viên chính. 'Thiên thần hộ mệnh', 'Chồng người ta' tung trailer mới. Điện ảnh Việt đang tăng tốc để khởi sắc vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Xem thêm: mth.44203820113210202-neyud-oc-al-91-divoc-iht-ud-hna-neid-cuc-iug-nab-hcik-002-noh/nv.ertiout