vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất nhập khẩu: 2020 nhiều thành công, 2021 bất định

2020-12-31 12:49

Xuất nhập khẩu: 2020 nhiều thành công, 2021 bất định

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) - Cho dù tới thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn xuất, nhập khẩu năm nay sẽ cán đích ở mức nào, song với những chuyển biến rất tích cực gần đây, hoàn toàn có thể hy vọng những kết quả rất khả quan. Nhưng thành quả này, tới nay cũng đã là quá khứ. Tương lai năm 2021 còn ở phía trước, và không mấy sáng sủa.

Xuất khẩu tiếp tục là “ngôi sao sáng” trên bầu trời thương mại quốc tế. Ảnh: LÊ ANH

Ba thành quả lớn

Trước hết, tuy không thực hiện được mục tiêu đã đề ra, nhưng xuất khẩu của nước ta không chỉ là nguồn động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, mà còn tiếp tục là “ngôi sao sáng” trên bầu trời thương mại quốc tế.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tháng 10 vừa qua, ước xuất khẩu năm 2020 sẽ chỉ tăng 3,5-4%, nhưng thực tế cả năm ước đạt 281,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5%.

Nếu so với mục tiêu tăng khoảng 7%, gần như chúng ta đã thực hiện được và đây cũng chỉ mới là lần thứ ba trong 10 năm trở lại đây không hoàn thành mục tiêu rất quan trọng này. 

Cho dù vậy, trong bối cảnh thị trường trong nước quá ảm đạm bởi dịch Covid-19, xuất khẩu đóng vai trò chủ công trong việc thúc đẩy kinh tế đạt mức tăng trưởng dương 2,91%.

Bởi lẽ, thứ nhất, thay vì tăng trưởng bình quân 13,4%/năm trong 10 năm trước đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm 2020 ước chỉ tăng 2,4%; còn nếu so với GDP, trong khi xuất khẩu hàng hóa bằng 82,6%, tăng 2,4 điểm phần trăm so với năm 2019, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ bằng 63,5%, giảm 1,1 điểm.

Hoặc nhìn ở góc độ khác, thay vì đóng góp 52% đầu ra cho tăng trưởng trong năm 2019, xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đóng góp tới 66,4% đầu ra cho tăng trưởng, còn thị trường trong nước tuy có tới gần 100 triệu người tiêu dùng, nhưng chỉ còn đóng góp được 33,6% so với 48% do sức mua bị đại dịch Covid-19 làm suy kiệt

Tốc độ tăng trưởng dẫn đầu 40 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới trong vòng 10 năm 2010-2019 đã giúp Việt Nam tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng 50 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ vị trí 41 lên vị trí thứ 23, và gần như chắc chắn vị trí này của chúng ta trong năm 2020 sẽ còn tiếp tục được cải thiện.

Thứ hai, trong khi xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khả quan thì nhập khẩu đã chững lại rõ ràng, dù đã có một tháng 12 tăng đột biến 22,7% so với cùng kỳ. Nhờ đó Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2020 với 19,1 tỉ đô la Mỹ.

Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, nhận định về việc nhập khẩu giảm dẫn tới xuất siêu tăng sẽ kèm theo hệ lụy thiếu nguyên liệu cho sản xuất có lẽ là thiếu cơ sở. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, tuy tổng kim ngạch nhập khẩu 18 mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị ước chỉ đạt trên 51 tỉ đô la, giảm tới 11,3% so với năm 2019, nhưng nếu quy theo giá năm 2019 thì chúng ta được hưởng lợi tới hơn 25 tỉ đô la, tức nếu loại trừ yếu tố giảm giá thì kim ngạch nhập khẩu tăng tới 32,3% trong nhóm hàng này, còn khối lượng tăng 12%.

Điều đó cho thấy mức xuất siêu kỷ lục trước hết là do chúng ta đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, cộng thêm yếu tố do cơ cấu “rổ hàng hóa nhập khẩu” rơi vào nhiều nhóm hàng có giá giảm mạnh giúp Việt Nam được hưởng lợi lớn do những biến động của giá cả thế giới mang lại.

Nhìn vào cơ cấu rổ hàng hóa xuất khẩu, thành tựu xuất siêu kỷ lục có phần đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2017 chúng ta vẫn còn nhập siêu 6,5 tỉ đô la ở nhóm hàng này, thì năm 2018 đã xuất siêu 4,7 tỉ đô la, năm 2019 tăng vọt lên 9,2 tỉ đô la và năm 2020 ước xuất siêu của nhóm này lên đến 14,5 tỉ đô la.

Thứ ba, nhìn dưới góc độ cơ cấu thị trường xuất khẩu, có thể thấy Mỹ là nguồn động lực chủ yếu để chúng ta đạt được những kết quả xuất khẩu và xuất siêu nói trên. Ước tính kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2020 sẽ đạt kỷ lục hơn 76 tỉ đô la, chiếm 27,2% tổng xuất khẩu ra thị trường thế giới, còn nhập khẩu sẽ chỉ khoảng 13,5 tỉ đô la nên trong cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam thặng dư 62,9 tỉ đô la.

Trong khi đó Việt Nam lại nhập siêu khổng lồ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc, tương ứng nhập siêu 35,4 tỉ và 27,5 tỉ đô la.

Năm 2021 bất định

2021 được dự báo là năm kinh tế thế giới phục hồi hậu dịch Covid-19, nhưng quá trình này sẽ không đồng đều, trong đó tình hình ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu là kém lạc quan nhất. Dự báo vừa qua của Quỹ Tiền tệ  quốc tế (IMF) cho thấy, trong khi GDP của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển tăng 6,05%, thì của các nước phát triển chỉ tăng 3,6%.

Rõ ràng, đó là tín hiệu không mấy khả quan, nếu như không muốn nói là không sáng sủa, đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021.

Mỹ và châu Âu vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nên một khi kinh tế phục hồi khó khăn thì chúng ta cũng không dễ đẩy mạnh xuất khẩu sang những nước này.

Hơn nữa, việc Mỹ xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, dù trước mắt chưa có tác động gì đáng kể tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu, kể cả nhà nhập khẩu, không thể không dè chừng. Đó là chưa nói tới khả năng Việt Nam sẽ khó mà lập lại kỷ lục xuất siêu vào thị trường này sau cáo buộc vừa qua.

Để hóa giải nhãn thao túng tiền tệ, trong năm 2021, chí ít chúng ta cũng sẽ phải nỗ lực tối đa ngăn chặn những dòng hàng đội lốt Made in Vietnam để xuất khẩu vào Mỹ. Như vậy, rất rõ ràng là việc tăng cường chống gian lận xuất xứ càng thành công bao nhiêu thì xuất khẩu cũng sẽ giảm tương ứng.

Bên cạnh đó, cho dù Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực cách đây mấy tháng, nhưng khả năng tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường này hầu như vẫn còn để ngỏ, bởi xu thế giảm trong năm 2020 vẫn còn tiếp tục và kinh tế của khu vực thị trường này trong năm 2021 sẽ vẫn còn khó khăn như đã được dự báo nói trên. 

Trong điều kiện như vậy, trọng tâm gia tăng xuất khẩu phải được hướng vào khu vực thị trường châu Á, trước hết là các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhưng đó là điều chắc chắn không dễ dàng, nếu như không muốn nói là quá khó.

Các số liệu thống kê cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2020, trong khi chúng ta xuất khẩu được gần 103 tỉ đô la vào thị trường khu vực này, thì lại nhập khẩu tới gần 167 tỉ đô la. Trong đó, hai đối tác chủ yếu mà chúng ta ngày càng bị “lép vế” chính là Trung Quốc và Hàn Quốc với quy mô và tỷ lệ nhập siêu rất lớn. Với 12 đối tác còn lại, chúng ta cũng vẫn bị nhập siêu, nhưng mức và tỷ lệ tính chung đều thấp hơn. Đây cũng chính là vấn đề của chúng ta trong những năm trước đây. Do vậy, hy vọng gia tăng xuất khẩu sang thị trường khu vực này có lẽ không khác gì “tìm đường lên trời”, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Những điều nói trên có nghĩa là, hy vọng giảm nhập siêu trong ngắn hạn có lẽ phải trông cậy rất nhiều vào những kết quả chống gian lận xuất xứ, còn trong dài hạn thì phải nhờ phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu để hưởng ưu đãi thuế quan như đã thỏa thuận trong EVFTA...

Với việc kinh tế thế giới sẽ ấm lên trong năm 2021, gần như chắc chắn giá hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ tăng, cho nên xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị thiệt thòi về giá như năm 2020, nhưng ngược lại, nhập khẩu sẽ không còn được hưởng lợi “khủng” về giá nữa, và tất nhiên là kết quả xuất siêu năm 2021 sẽ khó mà “đẹp” được như năm 2020. Mức nhập khẩu tháng cuối cùng của năm 2020 tăng đột biến rất có thể là dấu hiệu của sự “đảo chiều” về cán cân thương mại trong năm 2021, hoặc ít ra cũng là dấu hiệu cho thấy mức thặng dư thương mại sẽ không còn được lớn như năm 2020 nữa.

Nói tóm lại, nếu không có gì đột biến trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, do sự cộng hưởng của nhiều tác nhân, khả năng tăng tốc xuất khẩu năm 2021 của nước ta sẽ là bài toán khó, trong khi nhập khẩu sẽ tăng mạnh hơn, cho nên mức và tỷ lệ xuất siêu sẽ giảm đương nhiên chỉ là hệ quả. 

Xem thêm: lmth.hnid-tab-1202-gnoc-hnaht-ueihn-0202-uahk-pahn-taux/132213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất nhập khẩu: 2020 nhiều thành công, 2021 bất định”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools