Bài viết là lời kể của tác giả David Majister:
Tôi vừa nhận được một email có thể nói là thông minh nhất từ trước đến nay trong việc khiến tôi muốn tài trợ tiền cho một dự án gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter. Bên cạnh đó, nó cũng dạy cho tôi một bài học về cách viết email tạo ra sự khác biệt và hiệu quả.
Kể từ khi ra mắt chiến dịch cách thời điểm tôi nhận được email trên vài giờ, những người tạo ra dự án đã huy động được hơn 1,5 triệu USD và chính email đó là một yếu tố quan trọng giúp họ gọi vốn thành công.
Vậy điều gì khiến nó trở thành một "email triệu đô"?
Tôi từng ủng hộ cho nhiều chiến dịch trên Kickstarter, nơi mọi người gửi tiền cho chủ dự án để sản xuất sản phẩm. Đây là một cách đầu tư ít rủi ro, chi phí thấp dành cho các sản phẩm thú vị nhưng không đủ kinh phí sản xuất. Tôi thích ủng hộ các dự án trên đó vì có rất nhiều mặt hàng độc đáo sẽ được ra đời.
Tôi nhận được rất nhiều email thông báo gọi vốn từ Kickstarter. Tuy nhiên, hầu hết chúng rất dễ bị bỏ qua. Đây là một ví dụ:
"Gửi các nhà đầu tư,
Xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ chúng tôi trong vài năm qua. Tôi hy vọng các bạn thích những sản phẩm đã ra mắt. Đây là thông báo ngắn gọn để các bạn biết rằng chúng tôi đang khởi động một dự án mới. Chúng tôi rất cần sự ủng hộ của các bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại đường link này.
Xin cảm ơn!".
Email này rất lịch sự nhưng không hấp dẫn và quan trọng nhất là không truyền cảm hứng hành động của người đọc. Dưới đây là một số vấn đề với nó:
Không mang tính cá nhân đối với tôi vì không đề tên người nhận là tôi. Trọng tâm là người gửi vì chủ yếu nói về "dự án của tôi" và thông điệp chính là "tôi đã khởi động một chiến dịch". Cuối cùng, cụm "tham khảo thêm thông tin tại đường link này" là một lời kêu gọi hành động yếu.
Viết email cũng là một "nghệ thuật".
Người viết email này có thể sử dụng cách tiếp cận khác để trở nên hấp dẫn hơn, từ đó gọi được nhiều vốn hơn. Cách tiếp cận đó là tập trung vào người đọc. Và "email triệu đô" mà tôi vừa nhận được là một ví dụ minh họa:
"Xin chào David,
Hôm nay, chúng tôi khởi động dự án gọi vốn cộng đồng trên nền tảng Gamefound mang tên ISS Vanguard với sứ mệnh khám phá không gian.
Để chào mừng sự kiện này, chúng tôi xin tặng bạn 5 USD vào tài khoản. Đây là món quà chúng tôi dành cho tất cả những người ủng hộ dự án này trên Gamefound. Số tiền này chỉ được sử dụng trong thời gian dự án diễn ra. Nếu bạn quyết định đầu tư, số tiền 5 USD trên sẽ được trừ vào tổng số tiền bạn ủng hộ ISS Vanguard.
Hãy vào trang của dự án để nhận món quà của chúng tôi.
Chúc bạn ngày mới tốt lành".
Điều rõ ràng ngay từ đầu là trọng tâm của email này là về tôi. Nhìn chung, nó là một email khá thành công vì tuân theo một số nguyên tắc mà tác giả Robert Cialdini nêu ra trong cuốn sách "Influence: Science and Practice" của mình. Đó là: Có đi có lại, ví dụ thực tế, sự khan hiếm.
Trước tiên, nguyên tắc "có đi có lại": Khi nhận được một món quà từ ai đó, bạn thường sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lại một thứ khác. Trong email trên, tôi đã "nhận" được 5 USD. Nếu tôi (và nhiều người nhận email khác) thấy hứng thú với dự án, khả năng họ nhận được tiền ủng hộ là rất cao.
Cụm từ "đây là quà cho tất cả người ủng hộ" cho thấy rằng tôi là một người trong số đám đông những người có cùng quan điểm. Khi truy cập vào trang của dự án, tôi thấy thống kê số người ủng hộ và số tiền huy động được. Việc dự án được đón nhận khiến tôi càng muốn trở thành một trong số đó.
Cuối cùng, mọi người thường có xu hướng trì hoãn các quyết định cho đến phút cuối cùng. Đó là lý do tại sao sự khan hiếm có thể hữu ích trong việc bán sản phẩm. Nếu số lượng sản phẩm có sẵn hoặc thời hạn mua có hạn, khách hàng có xu hướng hành động ngay vì họ không muốn bỏ lỡ cơ hội. Email tôi nhận được đã càng làm tăng cảm giác "khan hiếm" khi giới hạn thời gian sử dụng khoản tiền 5 USD.
Bạn cũng có thể viết những email kinh doanh hiệu quả. Hãy nhớ nguyên tắc tập trung vào người đọc và những gì họ muốn thay vì chỉ chăm chăm vào bản thân và những gì bạn muốn. Áp dụng thêm các nguyên tắc trên của Robert Cialdini, tôi tin là bạn sẽ có thể tạo ra được email tốt hơn.
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị