*Lược dịch theo bài viết của BBC Future
Thế nào là một chứng nhân lịch sử? Thực ra, ai trong chúng ta cũng có thể là một nhân chứng, bởi mỗi thời khắc qua đi cũng đều là một phần của lịch sử. Khác chăng chỉ là sự kiện bạn ghi lại được mang tầm ảnh hưởng đến đâu mà thôi!
Năm 2020 sắp qua là một năm tràn ngập hỗn loạn và mệt mỏi. Nhưng mọi chuyện dù sao cũng sẽ trôi đi, và rồi đến một ngày thế hệ con cháu cũng sẽ thắc mắc chúng ta - những chứng nhân lịch sử - làm sao có thể vượt qua một năm đầy ắp những rối loạn như vậy?
Chắc hẳn với nhiều người năm 2020 thực sự sẽ rất đáng quên. Dẫu vậy, nó vẫn ẩn chứa rất nhiều bài học mà có lẽ chúng ta sẽ muốn thế hệ sau nhìn về mà ghi nhớ. Vậy câu hỏi là, nếu có thể gói tất cả lại trong một chiếc hộp thời gian, bạn sẽ muốn gửi đến thế hệ tương lai những gì?
BBC Future đã hợp tác cùng một trường quốc tế tại Anh, thực hiện khảo sát với các sinh viên và nhiều chuyên gia để thảo luận xem nên gửi những gì đến với thế hệ mai sau. Và sau đây, hãy xem chiếc hộp thời gian của năm 2020 có gì.
Khẩu trang, kim chỉ và những thứ gợi nhớ về một đại dịch đáng sợ
Có lẽ thứ đầu tiên được đặt vào trong chiếc hộp ấy phải là một chiếc khẩu trang, chính xác hơn là khẩu trang y tế.
Trước năm 2020 thì ngoại trừ một số nước châu Á, khẩu trang y tế được liệt vào dạng "trang bị bảo hộ cá nhân", và vốn chỉ dành cho công nhân viên y tế, công nhân xây dựng và một số ngành nghề chuyên biệt. Từ một công cụ khá đặc biệt, khẩu trang đã trở thành một sản phẩm biểu tượng của năm 2020.
Nhưng bên cạnh khẩu trang, thứ cần mang theo còn phải là kim chỉ nữa. Với các quốc gia phương Tây, kim chỉ là hai thứ "vũ khí" cũng rất quan trọng trước một đại dịch đầy chết chóc như Covid-19. Đó là khi khẩu trang trở nên khan hiếm, người dân phải tận dụng những món đồ cũ hỏng để tự làm khẩu trang nhằm bảo vệ bản thân. Và dĩ nhiên, kim chỉ là thứ chẳng thể thiếu nếu muốn làm điều đó.
Trong thời điểm đầu đại dịch, khi các thành phố bị phong tỏa và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là lúc tinh thần tự cung tự cấp tăng lên. Nhiều người đã buộc phải tìm kiếm các giải pháp tự chế sản phẩm khử trùng. Vậy nên, Christy Casey - một sinh viên trong trường muốn gửi gắm đến thế hệ sau một gói giấy khử trùng tự chế mà mẹ cô đã làm. "Phương pháp rất đơn giản: chỉ cần cắt lấy những mảnh vải từ áo cũ, đặt chúng vào trong hộp, đổ nước và thuốc tẩy vào là xong."
Hay như cục tạ tự chế của Amy Charles và bạn cùng phòng Eleanor chẳng hạn. Khi đại dịch quá phức tạp, các phòng gym buộc phải đóng cửa, họ quyết định phải làm gì đó để tự tập ở nhà. "Chúng tôi mua cát, xi măng và một vài ống nước, đổ chúng vào trong một chiếc hộp cơm để tạo ra cục tạ nặng khoảng 5kg có tay cầm. Trông thô sơ vậy mà rất hiệu quả, có thể dùng làm cái chặn cửa nữa."
Tôi ở nhà
Với nhiều người trên thế giới, cả một năm qua là quãng thời điểm thật đáng buồn tẻ. Chúng ta phải dành phần lớn thời gian chỉ để ở trong nhà, nhằm tuân thủ đúng quy định giãn cách xã hội. Cũng bởi thế, các phương tiện giải trí tại gia cũng lên ngôi một cách mạnh mẽ hơn, như chiếc bàn cờ vua mà sinh viên Shakil Ahmed từ Bangladesh đề cử chẳng hạn.
Một số khác lại nghĩ ra những nơi có thể đến trong thời điểm đại dịch, và họ quyết định đề cử một đôi giày leo núi. Hay như Griesham Taan, anh chọn chiếc xe đạp cũ kỹ mang tên Hendrix.
"Chiếc xe đạp 17 năm tuổi cũ kỹ của bố được lôi ra và sửa sang lại. Trong một thế giới đang ngập tràn sợ hãi và bất ổn, Hendrix cho tôi cảm giác tự do, an toàn và có mục đích để hướng tới."
Đã có lúc, xe đạp trở nên khan hiếm trên mọi mặt trận, và nhiều người buộc phải viện đến những chiếc xe đạp cũ chất trong kho
Một ý tưởng khác thì đề cập đến chuyện đưa vào một cuốn lịch, nhưng với hình ảnh là cảnh quan trong cùng một khung cửa sổ. Đó là ý tưởng của Fiona Macdonald, sinh viên của trường School of International Futures. Theo cô, nó giống như một cuốn phim quay chậm vậy, khi bốn mùa trôi qua và bạn vẫn phải ở trong nhà. Nó mang một cảm giác đầy hoài niệm, với những bụi cây lâu ngày không chăm, những món đồ chơi bị bỏ quên đã lâu, cùng khung cửa sổ cũ kỹ của hàng xóm đối diện.
Pupul Bisht từ New Delhi thì muốn gửi đến tương lai một bông hoa gạo rực lửa. Trước cửa sổ của Bisht là một cây hoa gạo, và nó nở hoa rực rỡ vào tuần thứ 3 bị phong tỏa hồi tháng 3/2020 ở Ấn Độ. "Khi mọi thứ trở nên bất thường, bông hoa ấy khiến mỗi ngày trôi qua được yên bình hơn."
Rồi chuyện làm việc từ xa từ nhà nữa - một thứ xa xỉ mà rất nhiều người trên thế giới đã không thể khác được. Và một trong những điều gợi nhớ đến câu chuyện này nhất, có lẽ phải là chiếc túi vận chuyển của đội ngũ shipper. Họ vẫn phải mạo hiểm trong đại dịch, lao ra đường kiếm cơm để giúp những người phải giam mình trong nhà có được những thứ mình cần.
Môi trường sống đã thay đổi
Năm 2020 cũng để lại những dấu ấn đáng nhớ về môi trường, cả tích cực lẫn tiêu cực. BBC Future vì thế mà đề cử một thiết bị mang tính biểu tượng nhiều hơn: chiếc lọ có chứa không khí sạch ở ngay trong thành phố.
Tác giả bài viết chia sẻ, trước đại dịch mỗi ngày đi làm đều cảm thấy cổ họng và mũi trở nên khô khốc. Nhưng khi mọi người ở nhà, nhiều thành phố chứng kiến chất lượng không khí cải thiện đến kinh ngạc. Dĩ nhiên đó chỉ là một hiệu ứng tạm thời, sẽ biến mất khi cuộc sống trở lại bình thường. Vậy nên, chiếc lọ ấy giống như một ký ức để gợi nhớ, ở thời điểm không khí trong thành phố có thể được hít thở một cách sảng khoái và dễ dàng.
Những thay đổi khác về môi trường trong năm qua lại kém vui hơn. Một năm của những kỷ lục cháy rừng, biến đổi khí hậu và bão lũ kinh hoàng. Bởi thế, có rất nhiều đề cử liên quan đến câu chuyện này. Trong đó, đáng chú ý nhất là mảnh gỗ cháy của Leonardo Soares, "như một lời nhắc nhở đau đớn rằng giữa một đại dịch toàn cầu, nhân loại còn phải đối mặt với khủng hoảng môi trường toàn diện nữa."
Dẫu vậy, vẫn có khá nhiều đề cử mang tính hy vọng. Rodrigo Mendes từ Brazil - nơi rừng Amazon đang phải chịu đựng những đợt cháy diện rộng - đã chọn thứ anh nhìn thấy khi dư luận quốc tế đang quan tâm đến khu rừng ở quê hương. Đó là một chậu cây nhỏ.
"Mầm cây cần được chăm sóc mỗi ngày, và nó phản ánh sự quan trọng của đa dạng sinh học."
Claire Marshal từ Úc - cũng là một nơi phải hứng chịu cháy rừng trầm trọng - thì mang đến một đôi găng làm vườn cáu bẩn. "Nó mang đến cảm giác an toàn giữa thiên nhiên sau những vụ cháy rừng đáng sợ." Hơn nữa cũng theo Marshal, làm vườn cũng là một đặc quyền an yên trong bối cảnh phải ở nhà vì đại dịch.
Sự quan tâm ở khắp mọi nơi
Một trong những điều tốt đẹp hiếm hoi trong năm qua, có lẽ là sự gắn kết của cộng đồng đã tăng lên. Bất chấp một năm đầy căng thẳng, giận dữ và ích kỷ, các mối quan hệ cũng trở nên khăng khít hơn, bao gồm cả tình hàng xóm.
Đó là lý do vì sao Aline Roldan từ Thái Lan đã chọn "hàng xóm" là thứ được gửi tới tương lai. "Tôi thậm chí chẳng biết họ là ai, cho đến khi phải ở nhà và chạm mặt mỗi ngày." Một sự ấm áp dễ thương trong những ngày phong tỏa lạnh lẽo.
Hay như chiếc đèn dầu làm từ đất sét của Deepshika Dash tại Ấn Độ. Dash cho biết, chiếc đèn vốn là biểu tượng của hy vọng trong nhiều thế kỷ, thường được thắp lên để xua tan đi bóng đêm. Và năm qua, rất nhiều người tại Ấn Độ đã thắp cây đèn ấy đồng loạt vào 9h tối, để thể hiện sự đoàn kết và hướng đến một tương lai bớt ảm đạm hơn.
Maggie Greyson thì đề cập đến một thứ khá trừu tượng: câu chuyện có thật về tình bạn, được minh họa theo đoạn hội thoại trên Telegram. Đó là một đoạn thư cảm ơn từ một người bạn của cô, khi đó gặp khó khăn vì mất việc. Greyson đã giúp người bạn ấy tìm lại đam mê, và lời cảm ơn nhận lại cũng thật đẹp.
Những món quà gửi tới tương lai
Erica Bol từ Hà Lan đề cử một bộ công cụ giảng dạy có tên "Futures Thinking Playbook", với mong muốn giúp thế hệ sau hiểu được rằng việc làm hôm nay sẽ ảnh hưởng ra sao trong tương lai. "Rất khó để dạy về một thứ chưa tồn tại, nhưng ít nhất lũ trẻ sẽ học được cách chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Covid-19 đã cho thấy những sự thay đổi tàn khốc nhất. Nhưng thế giới dù thế nào cũng sẽ thay đổi, đôi khi nhanh, có khi chậm, và chúng ta cần phải chuẩn bị."
Thứ cuối cùng trong chiếc hộp thời gian là cuốn sách "The Good Ancestor" do tác giả Roman Krznaric đề cử. Krznaric cho biết, bản thân cuốn sách cũng giống như một chiếc hộp thời gian nữa vậy, với mong muốn trở thành một biểu tượng để kết nối với thế hệ tương lai. Lịch sử là thứ được truyền lại, và bất kỳ ai cũng có thể tự mình làm được chuyện đó.
Nguồn: BBC
JD
Pháp luật và bạn đọc