Lo ngại về Covid-19 khiến nhiều người dân Nhật Bản không muốn mạo hiểm ra ngoài ăn uống. Vì thế, họ thử nấu ăn, dọn dẹp như những đầu bếp, chuyên gia pha chế thực thụ. Dĩ nhiên là với sự trợ giúp của các dụng cụ và thiết bị vốn bán cho nhà hàng, quán ăn.
Takeshi Suzu (38 tuổi) ở phường Edogawa (Tokyo) có một "quán bia" ngay trong bếp của mình, sau khi lắp một chiếc máy làm lạnh bia tươi chuyên nghiệp như trong nhà hàng. "Nó còn tốt hơn cả trong izakaya (các quán rượu phong cách Nhật Bản)", Suzuki nói, lúng túng rót bia từ máy vào chiếc cốc yêu thích của mình, "Và tôi cũng say rất nhanh, có lẽ vì ở nhà tôi thấy thoải mái hơn". Với anh, mùi vị bia từ máy rất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với bia lon.
Suzuki thường đi uống với các đối tác kinh doanh và bạn bè gần như mỗi tối. Nhưng những cơ hội như vậy giờ rất ít và xa vời. Thay vào đó, anh bắt đầu mời một số ít bạn bè đến dự tiệc tại nhà. Tuy nhiên, việc mua và vứt bỏ nhiều lon bia rỗng sau khi tiệc tùng làm anh khó chịu.
Cuối cùng, anh và người vợ 26 tuổi Sayaka nảy ra ý tưởng mới. "Nếu chúng ta có thể uống bia tươi từ vòi thì đúng là thiên đường?", họ nghĩ. Cuối tháng 11, cặp đôi đã thuê một máy làm lạnh với thùng bia tươi 10 lít, đủ cho khoảng 28 cốc. Giá thuê một tháng là 20.000 yên (175 USD).
Deeblue, một công ty tại Tokyo bắt đầu cho khách hàng thuê máy làm lạnh bia tươi tại nhà năm 2015. Trước đây, họ chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê theo giờ cho các sự kiện như tiệc nướng. Nhưng hè 2020, công ty nhận được yêu cầu đầu tiên từ một cá nhân về việc thuê máy hàng ngày.
Sau đó, Deeblue đã cho khoảng 20 hộ gia đình thuê. "Tôi đã nhận được yêu cầu từ những người muốn uống bia tươi tại nhà. Điều này sẽ tạo ra một thị trường mới", Jiro Nanri, Chủ tịch công ty cho biết.
Theo Viện nghiên cứu Nomura, thời gian rảnh rỗi mà người Nhật có được nhờ làm việc tại nhà đã tăng lên 90 giờ mỗi người mỗi năm. Điều này giúp họ dành thêm thời gian cho sở thích hay việc nhà. Do vậy, các thiết bị vốn được thiết kế cho hàng quán nay có thể trở thành đồ gia dụng, phục vụ sở thích của người tiêu dùng.
Keiko Tamura, một người lao động tại Shisui, cách Tokyo khoảng 60 km về phía đông, đã mua một chiếc máy giữ ấm thực phẩm đóng hộp. Chiếc máy trong suốt chứa những lon amazake - một loại đồ uống làm từ gạo, cà phê đóng hộp và súp ngô. "Giống như tôi đang ở một cửa hàng tiện lợi vậy. Thật là vui", Tamura 48 tuổi nói.
Cô mua chiếc máy này với giá khoảng 25.000 yen đầu tháng 11. Chúng phổ biến trong các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Tamura cho biết quyết định mua nó sau khi gia đình cô bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở nhà.
"Nó tiện lợi hơn tôi nghĩ", người cha 80 tuổi của Tamura nói. Con trai lớn của cô cũng rất thích cách mà chiếc máy làm ấm nhanh chóng lon đồ uống khi nghỉ xả hơi giữa giờ học.
"Các đơn hàng tăng đột ngột. Chúng tôi vẫn chưa bắt kịp nhu cầu. Tôi rất ngạc nhiên", Noboru Yahata - Chủ tịch Nippon Heater Kiki, công ty sản xuất chiếc máy, cho biết. Doanh số bán hàng trực tuyến của sản phẩm đã tăng gấp đôi năm 2020 so với năm trước đó. Công ty dự báo chúng sẽ tăng gấp bốn lần giai đoạn 2019 - 2021.
Yoshikatsu Yasunaga, Bộ phận chiến lược sản phẩm của thương hiệu thiết bị nhà bếp Tempos, cho biết tủ đông, bộ chế biến thực phẩm và nồi áp suất có dung tích từ 8 đến 10 lít trước đại dịch chỉ được bán cho khách hàng thương mại, như nhà hàng. Nhưng giờ, chúng bán đắt hàng cho cả khách cá nhân qua kênh trực tuyến. "Những người yêu thích nấu ăn đang cố gắng bắt chước trải nghiệm chuyên nghiệp khi sử dụng thời gian họ có ở nhà", Yasunaga nói.
Các sản phẩm thường thấy trong các izakaya cũng đang ngày càng phổ biến. Chậu đất sét truyền thống của Nhật Bản được sử dụng để nấu tại bàn ăn, cũng như kurojoka (một loại bình đất sét giống ấm trà được sử dụng để làm ấm rượu shochu) là hai mặt hàng phổ biến. Nhu cầu các sản phẩm này đang giảm do lượng nhà hàng mới mở gần đây ít đi.
"Chúng tôi nhận ra rằng những sản phẩm này có thể bán cho người tiêu dùng", Yasunaga nói. Công ty của ông đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá sản phẩm cho khách hàng cá nhân.
Tại Koki Holdings ở trung tâm Tokyo, lượng mua máy hút bụi nhãn hiệu Hikoki của các khách hàng cá nhân đã tăng gấp 4 lần trong năm nay so với năm 2019. Máy thường được sử dụng để hút mùn cưa và các mảnh vụn khác tại các công trường.
Theo Jun Morita, đại diện bán hàng của Koki, máy hút bụi này có lực hút mạnh hơn máy gia đình. "Có thể mọi người muốn sử dụng các công cụ chuyên nghiệp để thực hiện các công việc dọn dẹp thông thường", Morita nhận định.
Các thiết bị chuyên nghiệp cũng phổ biến với những người tự tay sửa nhà cửa. Doanh số bán vật liệu tường chống thấm và chống cháy đã tăng vọt tại Tomoyasu Works, một nhà sản xuất đồ nội thất gia đình ở Yao, tỉnh Osaka. Trước đây, nhiều người chọn thuê các chuyên gia để chống thấm cho ngôi nhà của họ. Nhưng ngày càng nhiều người tự mua máy cắt và keo dán để thực hiện.
Phiên An (theo Nikkei)