Vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 0,1% lên 1.817,4 USD một ounce trong đầu phiên giao dịch cuối cùng của năm. Suốt phiên giao dịch tại thị trường châu Á và Âu, giá kim loại quý dao động gần với mức cao nhất trong một tháng. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3% lên 1.818,9 USD một ounce.
Hưởng ứng đà tăng của thị trường thế giới, giá vàng trong nước cũng kịp điều chỉnh tăng trong phiên hôm nay. Cuối giờ chiều 31/12, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào là 60,95 triệu đồng một lượng và bán ra 61,65 triệu đồng một lượng.
So với hôm qua, giá vàng miếng hiện tăng lần lượt 200.000 đồng và 350.000 đồng mỗi lượng. Với diễn biến tích cực trên, giá vàng trong nước kịp thoát khỏi vùng đáy của tháng 12 và bước lên mức cao nhất tuần này.
Sức mua lớn nhân dịp giá vàng hạ nhiệt ba phiên liên tiếp trước đó và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ khả quan hơn dự đoán là nguyên nhân chính giúp kim loại quý phục hồi. Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm 8.000 đơn so với dự đoán xuống còn 198.000 đơn.
Reuters dẫn lời Jeffery Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: "Động thái giảm thiểu rủi ro cuối năm đã đẩy vàng tăng cao hơn và hiện chỉ dưới ngưỡng kháng cự 1.820 USD".
Tuy nhiên, nhìn chung cả năm, giá vàng thế giới đã giảm từ mốc 1.940 USD một ounce về gần 1.815 USD trong phiên giao dịch cuối năm. Mức giảm ròng của kim loại quý này đạt hơn 6,4% với tốc độ giảm trung bình 4% chỉ trong một năm. Đà giảm trên được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2015, nguyên nhân chính là sự phục hồi kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý.
Ông Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận kim loại quý và ngoại hối APAC tại UBS Wealth Management Hong Kong cho biết: "Vàng được giữ vững ở mức hợp lý do nền kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi ủng hộ sự tăng trưởng và tất cả sự bình thường hóa trong chính sách tiền tệ. Nếu chúng ta không có lạm phát, giá vàng sẽ thấp hơn nhiều".
Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước bán ra lại ngược chiều. Tính chung cả năm, giá vàng tăng gần 9,9% từ mốc 56,1 triệu một lượng lên 61,65 triệu đồng vào phiên sáng cuối năm. Theo đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng được nới rộng, từ khoảng cách 3 triệu một lượng hồi đầu năm lên mức kỷ lục 11 triệu đồng một lượng hiện nay.
Báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm trước. Riêng tháng 12, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/12 giảm 1,8% so với tháng trước còn trong nước, chỉ số giá vàng tháng cuối năm lại tăng 0,25% so với tháng 11.
Về triển vọng trong năm tới, báo cáo gần đây của JPMorgan đưa ra dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống mức trước đại dịch vào cuối năm sau. Các nhà phân tích cho biết, thị trường vàng sẽ không thể chịu được kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2022. Từ mức trung bình 1.765 USD một ounce trong quý đầu năm, giá vàng sẽ giảm dần trong suốt năm tới khi xuống mức trung bình trong quý IV là 1.520 USD một ounce.
Tuy nhiên, Sean Lusk - Giám đốc của Walsh Trading, lại cho rằng tính mùa vụ đang ủng hộ đà tăng của giá vàng: "Nhu cầu đối với vàng là một trợ lực lớn trong việc đẩy giá cao hơn từ giữa tháng 12 đến ngày Lễ tình nhân (14/2)".
Về triển vọng năm sau, theo ông, xu hướng sẽ tăng cao hơn. Có vẻ như biến thể mới sẽ khiến Fed tạm dừng điều chỉnh chính sách tăng lãi suất. Rủi ro địa chính trị hoặc sự gián đoạn nguồn cung dầu thô cũng có thể tác động đến thị trường.
Tất Đạt