“Nước sôi lửa bỏng” là cụm từ mà bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nói về tình hình hiện tại đối với thanh long của tỉnh này tại Diễn đàn kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 31-12-2021.
Nông sản, trái cây quay đầu để… xả hàng
Bà Khanh cho biết trước khi có thông tin Trung Quốc (TQ) tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết thương lái đều cam kết mua của người dân với giá 22.000 đồng/kg. Thế nhưng khi có thông tin TQ tạm dừng nhập khẩu thanh long thì đồng loạt các kho trên địa bàn tỉnh Long An tạm dừng thu nhận hàng.
Vẫn còn hàng ngàn xe hàng nông sản, trái cây đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ảnh: AH
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, từ nay đến tết Nguyên đán, tỉnh có khoảng 20.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, trong khi hệ thống kho lạnh có hạn. Tại cửa khẩu cũng đang còn khoảng 200 xe thanh long của Long An, nên bà Khanh đề nghị các địa phương tạo điều kiện về bến bãi để các xe quay đầu có thể bán xả hàng, giảm lỗ xuống mức thấp nhất.
Cùng với Long An, sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận đến tháng 2 cũng có 120.000 tấn cần tiêu thụ. “Giá hiện tại chỉ 7.000-8.000 đồng/kg với thanh long loại 1. Hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tỉnh còn tồn 400-500 xe thanh long. Sở đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh. Tình hình là khá cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm tết” - ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, nói.
Thông tin mới nhất về tình hình tại các cửa khẩu, tại Quảng Ninh, từ ngày 21-12-2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại cầu Bắc Luân II và lối mở Km3+4, phường Hải Yên. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái, cho biết hiện hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp (DN). Số này đang tìm đường quay lại tiêu thụ trong nội địa.
Đối với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này, cho biết không còn tồn xe hàng nào tại cửa khẩu. Tuy nhiên, ở phía TQ còn tồn 1.700 xe, các DN cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng.
Tại Lạng Sơn, tính đến ngày 30-12-2021 còn khoảng 2.971 xe hàng đang chờ xuất. “So với cuối ngày 29-12-2021, lượng xe chờ xuất đã giảm hơn 500 xe. Nguyên nhân giảm là các xe chờ quá lâu nên quay lại nội địa bán để gỡ vốn. Cùng với đó là sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0 giờ ngày 29-12-2021 đến 24 giờ ngày 26-1 nên các xe đã quay lại, không đưa hàng lên nữa” - bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Bà Thu đánh giá thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hai dịp nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán đang đến gần. Bởi phía TQ sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước tết và 14 ngày sau tết. Từ đó bà Thu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước tết Nguyên đán.
Các “ông lớn” chế biến vào cuộc mạnh
Tại diễn đàn, nhiều DN lớn về chế biến, các tập đoàn bán lẻ đã và đang chung tay, tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trái cây đang tồn ở các cửa khẩu.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết hiện công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Cụ thể, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 100-150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là xoài. DOVECO cũng đã kết nối với Đồng Tháp, Tiền Giang để có nguồn cung phục vụ chế biến cho nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn chế biến xoài với số lượng lớn. Nếu các đơn vị có xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ” - ông Khuê nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, cho biết công ty có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm. Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều…
“Thời gian từ giờ đến tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn” - bà Hồng nói.
Còn ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail), cho biết đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.
Bên cạnh việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở bảy tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam, ông Dũng còn thông tin BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình.
Ông Paul Lê, đại diện Central Retail, cũng cho biết sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.•
Từ nay đến quý I-2022, có khoảng 300.000 tấn thanh long, 250.000 tấn xoài, 160.000 tấn mít… đến vụ thu hoạch nhưng các cửa khẩu xuất sang TQ lại gần như tạm dừng hoạt động. Bộ NN&PTNT sắp tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long Từ nay đến tháng 2, một lượng lớn thanh long vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ tổ chức một diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm thanh long vào ngay trung tuần tới đây. Đồng thời, Thứ trưởng Nam cũng giao việc cho Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản liên hệ các đại sứ quán, tham tán Việt Nam ở các nước tiêu thụ nhiều trái cây, đặc biệt là thanh long, đề nghị hỗ trợ xúc tiến thương mại mạnh mẽ các mặt hàng này. |