COVID-19 tiếp tục làm “trật bánh” kinh tế
Có vẻ “mức độ nghiêm trọng” của biến thể Omicron không làm tan biến hy vọng cuộc sống sẽ trở lại bình thường như trước, bởi hầu hết các quốc gia đều đã biết rõ hậu quả nghiêm trọng của các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị “mất đà”, khiến tinh thần các nhà đầu tư giảm thấp trước khi năm mới đến.
Người Mỹ chi tiêu tăng 8,5% trong dịp lễ (từ ngày 1/11 đến đêm Giáng sinh) so với cùng kỳ năm 2020 - Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Các nhà kinh tế tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) tuy vẫn đưa ra những dự báo triển vọng cho năm 2022 nhưng đã cảnh báo rằng các biến thể virus có thể làm chệch hướng tăng trưởng nếu không tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phủ vắc xin trên toàn cầu.
Từ tháng 11, thị trường tài chính đã “dậy sóng” với nỗi lo sợ về biến thể có khả năng lây lan nhanh Omicron và đến nay điều này vẫn chưa giảm. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy Omicron dễ lây hơn nhưng sẽ không gây tử vong nhiều như Delta. Nhưng không ai biết chắc rằng liệu có còn một biến thể nào khác trong tương lai có thể lại xuất hiện, đẩy lùi sự hồi phục kinh tế? Theo ước tính, tác động kéo dài của COVID-19 sẽ làm suy giảm 5,3 ngàn tỷ USD tích lũy GDP toàn cầu trong 5 năm tới.
Đại dịch vẫn là một nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng nó chưa phải là mối đe dọa duy nhất mà các nhà đầu tư chú ý trong năm 2022. Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở châu Âu và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Dự báo tại Anh, mức tăng chi phí sinh hoạt sẽ trên 5% vào tháng 4/2022.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng rõ ràng đã dai dẳng hơn so với suy nghĩ của mọi người trước đây. Điều này gây nhiều lo ngại về việc lạm phát tại Mỹ sẽ còn căng thẳng hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ cắt giảm kế hoạch phát hành trái phiếu và báo hiệu về việc sẽ tăng lãi suất vào năm mới. Một khi FED tăng lãi suất, rắc rối sẽ lại xảy đến cho một số nền kinh tế mới, gồm Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nền kinh tế này đã vay nhiều USD phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Một khi FED tăng lãi suất, đồng USD có khả năng mạnh lên và trở nên đắt đỏ hơn, gánh nặng nợ nần sẽ càng đè lên những quốc
gia nghèo.
Dự báo đầy lạc quan cho Trung Quốc
Trong nhiều năm, người ta đã suy đoán rằng sắp có một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở Trung Quốc. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Bắc Kinh đã nỗ lực khắc phục nguy cơ về cuộc đại khủng hoảng và ngăn chặn các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cường quốc kinh tế châu Á này đã thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch nhờ nhu cầu rất lớn của cả thế giới đối với hàng điện tử và y tế của mình. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong năm 2021.
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng thế giới đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao - Ảnh: AP |
Theo dự đoán của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại CEBR (Anh), Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo đồng USD. CEBR cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,7% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Sau đó, tốc độ tăng trưởng sẽ là 4,7%/năm từ năm 2025 đến 2030 và còn 3,8%/năm đến năm 2035.
Trong khi đó, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Pháp vào năm tới để chiếm vị trí nền kinh tế thứ sáu thế giới. Nước này cũng được cho là sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2031. Đức vẫn giữ vị trí thứ tư trong năm 2022 nhưng sẽ mất vị trí vào tay Nhật Bản vào năm 2031. Đến năm 2036, Đức mới có thể đẩy Nhật Bản về lại vị trí thứ năm.
Vẫn theo CEBR, Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ mười vào năm 2036, sau Brazil và Indonesia. Ả Rập Saudi sẽ đứng ở vị trí thứ 17, trong khi UAE sẽ là nền kinh tế lớn thứ 33 trên thế giới, xếp sau Israel. Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do quan ngại khả năng nước này xâm lược Ukraine. Trong đó bao gồm cả việc ngưng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 2 nếu Nga tiến đánh nước láng giềng.
“Căng thẳng Mỹ - Nga là nguy cơ lớn khiến các đồng minh NATO ở Đông Âu rơi vào điểm nóng của chiến tranh. Nếu Mỹ và châu Âu ngừng đường ống Nord Stream 2, điều đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá dầu tăng lên đến 100 USD/thùng”, nhà phân tích thị trường Edward Moya - Tập đoàn Thương mại OANDA - nói.
Nam Anh (theo The Guardian, WSJ, DW)
Xem thêm: lmth.2124541a-2202-man-uac-naot-et-hnik-ohc-oan-gnas-meid/nv.moc.enilnounuhp.www