Các công nhân của Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức, TP.HCM) sẽ được nhận thưởng Tết năm nay ít nhất 1 tháng lương, khoảng 10 triệu đồng mỗi người - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng giữ lương thưởng Tết cũng là cách để giữ lao động và bù đắp những thiệt thòi, khó khăn mà người lao động bị ảnh hưởng do dịch.
Tại TP.HCM, thưởng Tết giảm từ 30%
Hiểu được người lao động đã có một mùa dịch khó khăn nên nhiều công ty vẫn xoay xở để thưởng Tết cho người lao động.
"Ngay từ tháng 6 đã có hơn 10 F0 nên công ty chúng tôi phải đóng cửa và từ đầu tháng 10 mới sản xuất trở lại. Ban đầu công ty cũng tính phương án thưởng Tết 60% tháng lương, nhưng sau đó nghe ngóng tình hình công nhân khó khăn nên tăng lên 75%" - bà Nguyễn Thị Thùy Vân, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức), nói.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Phạm Chí Tâm cho biết dù chỉ còn khoảng một tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng đến thời điểm này, một số doanh nghiệp vẫn chưa thể công bố kế hoạch thưởng Tết do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm ảnh hưởng dịch COVID-19. Liên đoàn Lao động TP dự báo tiền lương, tiền thưởng Tết Nhâm Dần 2022 có thể sẽ giảm từ 30 - 50% so với năm 2021.
Tuy nhiên theo ghi nhận, không ít doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết tương đương với năm trước. Như tại Công ty Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), mặc dù đến nay vẫn chưa chốt phương án thưởng Tết nhưng dự kiến vẫn duy trì mức thưởng tương đương Tết năm ngoái, với mức hơn một tháng lương cho người lao động.
Công ty cổ phần In số 7 (quận Bình Tân) là một trong những công ty có chính sách chăm lo Tết rất tốt cho người lao động năm nay vẫn duy trì nhiều khoản thưởng cuối năm. Trong đó thưởng Tết dương lịch 2,7 triệu đồng/người, thưởng Tết Nguyên đán 6 triệu đồng/người, đặc biệt là tiền thưởng lương tháng 13 dự kiến là 3 tháng lương thực lãnh và đến nay người lao động đã lãnh 2 tháng lương.
Ngoài ra Công ty cổ phần In số 7 cũng có thưởng theo năng suất khoảng 2,5 triệu đồng/người, lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người.
"Trong thời gian dịch bệnh, công ty thực hiện "3 tại chỗ" với khoảng 60% lao động với mức chi phí rất cao. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì lương, thưởng Tết cho người lao động dù có thể thấp hơn mọi năm để tri ân người lao động đã gắn bó với công ty" - ông Trương Hoàng Tâm, chủ tịch công đoàn công ty, chia sẻ.
Công nhân sản xuất quần áo tại huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) - Ảnh: TỬ VĂN
Nhiều tỉnh miền Bắc thưởng tăng
Trái ngược với tình hình tại miền Nam, nhiều tỉnh phía Bắc ít bị ảnh hưởng bởi dịch nên tình hình sản xuất của các doanh nghiệp khởi sắc hơn, chế độ thưởng Tết cũng cao hơn. Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên cho biết mức thưởng Tết năm nay của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng bình quân 45% so với năm trước (5,8 triệu đồng/người lên trên 8,4 triệu đồng/người).
Lý giải việc thưởng Tết tăng cao như vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết tỉnh luôn xác định ưu tiên phân bổ vắc xin cho doanh nghiệp để tiêm cho người lao động trước khi tiêm cho người dân. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ đó người lao động cũng được hưởng lợi.
Tương tự, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang cho hay mức thưởng Tết âm lịch năm trước cao nhất là hơn 106 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp vốn FDI, mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng.
Thế nhưng năm nay, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức thưởng Tết âm lịch trong tỉnh cao nhất là gần 228 triệu đồng/người (khoảng 10.000 USD) thuộc về một doanh nghiệp FDI. Nếu tính bình quân chung, mức thưởng Tết là trên 5,2 triệu đồng/lao động, tăng 3,8% so với dịp Tết năm trước (thống kê gần 280 doanh nghiệp đến 30-12-2021).
Ngược lại với 2 tỉnh trên, báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chỉ rõ mức thưởng Tết của người lao động tại các doanh nghiệp giảm nhẹ, riêng thưởng Tết Nguyên đán cao nhất trong khối doanh nghiệp FDI tăng hơn so với năm ngoái.
Công nhân ngóng thưởng Tết
"Tôi đang ngóng thưởng Tết. Nghe nói là 75% so với thưởng của năm trước, chắc chừng 4 triệu hơn gì đó. Có tiền thưởng thì vợ chồng mang về quê phụ cha mẹ ăn Tết" - chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (26 tuổi, quê Long An) - công nhân may Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - bộc bạch.
Mùa dịch vừa rồi, hai vợ chồng chị Yến và cả người em là công nhân đều nghỉ việc liên tục 3 tháng. Nhưng chưa hết, dịch xong vừa đi làm được hơn chục ngày thì tiếp tục là F0 phải ở nhà điều trị thêm 2 tuần.
"Nhưng vẫn thấy mình may mắn vì lúc F0 đã tiêm 2 mũi vắc xin nên sức khỏe ổn. Suốt mấy tháng mùa dịch không đi làm, công ty vẫn hỗ trợ 80.000 đồng/ngày mới có tiền trang trải ăn uống, trả tiền nhà" - Yến chia sẻ thêm.
Anh Vũ Tiến - kỹ sư tại một công ty công nghệ ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - cho biết: "Mọi năm khi chưa dịch bệnh, thưởng Tết rất cao. Tính cả thưởng tháng cuối (12 triệu đồng), hệ số thâm niên thì được vài chục triệu đồng vì công ty làm ăn tốt. Năm nay, công ty vẫn cam kết thưởng Tết tháng thứ 13. Nhưng không phải công ty nào cũng thế. Bạn mình làm cùng khu công nghiệp mà đến nay vẫn chưa có thông báo gì".
Trong khi đó, anh Phan Tùng (25 tuổi) - hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội - chia sẻ du lịch ngưng trệ, khách nước ngoài không tới Việt Nam nên hai năm qua anh không có thu nhập chứ nói chi đến thưởng Tết. Theo anh Tùng, nhiều đồng nghiệp trẻ trong ngành du lịch phải "bỏ nghề, tìm việc mới" như shipper, giáo viên dạy tiếng Anh online... hoặc thậm chí chỉ ở nhà sống nhờ trợ cấp của gia đình và chờ khách quốc tế trở lại để đi làm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng - phó ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay qua nắm bắt sơ bộ, đa phần doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn duy trì thưởng Tết dù ít dù nhiều, những doanh nghiệp duy trì sản xuất thì công bố mức thưởng tăng.
"Những trường hợp thưởng lớn hay thưởng thấp chỉ tập trung vào một vài cá nhân, không đại diện cho bức tranh lương thưởng của cả một địa phương. Mặt bằng chung năm nay tương đối khó khăn hơn các năm trước, đa phần duy trì mức lương cơ bản, còn thưởng căn cứ vào khả năng của doanh nghiệp. Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp cố gắng thưởng Tết để duy trì lực lượng lao động, duy trì văn hóa công ty, động viên tinh thần người lao động..." - ông Quảng nói.
Một lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay cục đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố để tổng hợp báo cáo tiền lương, thưởng Tết năm 2022. Tuy nhiên, tính đến ngày 1-1-2022, có rất ít tỉnh gửi số liệu để cục tổng hợp, số đã gửi đa phần là các địa phương có thị trường lao động nhỏ, số lượng công nhân ít...
Cố gắng duy trì tháng 13
Ông Nguyễn Hải Trung - tổng giám đốc Công ty TNHH Daehan Motors (chuyên sản xuất, lắp ráp các loại xe tải tại Khu công nghiệp cơ khí ôtô TP.HCM) - cho biết đơn vị sẽ thưởng Tết mỗi lao động một tháng lương. Riêng đối với những người lao động đã gắn bó với công ty trên một năm, doanh nghiệp thưởng "động viên" thêm 3 triệu đồng để chia sẻ khó khăn với công nhân đã đồng hành với công ty.
"Tôi thấy năm nay dịch bệnh dẫn đến ai cũng khó khăn, bản thân người lao động cũng vất vả nên chúng tôi cố gắng tiết kiệm thêm để chi cho anh em. Vài trăm lao động mỗi người có thêm một chút tiền thưởng như vậy cho xuân thêm ấm hơn" - ông Trung chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết mọi năm phía công ty tổ chức một bữa tiệc tất niên, công nhân ngồi lại ăn uống với ban lãnh đạo công ty và phát quà. Nhưng năm nay dịch bệnh nên không tổ chức. Bù lại, doanh nghiệp này sẽ phát phiếu mua hàng trị giá 800.000 đồng/người.
Riêng tiền thưởng Tết, doanh nghiệp cố gắng lo cho công nhân lương tháng 13, còn khối văn phòng, kỹ sư... sẽ nhiều hơn một tháng lương, tối đa là 1,5 tháng lương tùy theo các tiêu chí.
"Thực lòng năm nay chúng tôi rất khó khăn, nặng nhất là các chi phí thời điểm "3 tại chỗ" từ tháng 7 đến tháng 10. Hiện công ty vẫn còn duy trì khoản tiền khá lớn chi cho xét nghiệm, thuê bệnh viện điều trị F0. Trong khi đó, đến thời điểm này tổng doanh thu đạt được chỉ bằng 85% chỉ tiêu đề ra.
Do đó ngoài khoản thưởng theo luật, việc một số bộ phận có mức thưởng cao hơn cũng là sự ghi nhận công sức, đóng góp của anh em đối với doanh nghiệp" - vị này nói và cho biết thêm doanh nghiệp cũng đã lên phương án để mời công nhân ở lại sản xuất ngày Tết, tăng tiền lương để giữ chân lao động.
Các khoản thưởng Tết sẽ giúp công nhân thêm ấm lòng sau một năm khó khăn vì dịch bệnh. Trong ảnh: công nhân tại Công ty CP sản xuất và thương mại Nam Hoa (Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chia sẻ về việc chăm lo Tết cho người lao động, ông Kanayama Jun - trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) - cho biết các mảng kinh doanh của doanh nghiệp FDI này tại cả 3 miền đều bị ảnh hưởng, nặng nhất là nhà máy, văn phòng ở phía Nam thời điểm quý 3.
Tuy nhiều chi phí chống dịch đội lên song ông Kanayama Jun vẫn cho hay công ty này cố gắng không giảm tiền thưởng và phúc lợi của nhân viên, hiện vẫn giữ mức như các năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thưởng lương tháng 13, thưởng xếp loại lao động, công nhân đến thời điểm sẽ được tăng lương.
Còn đối với các doanh nghiệp có đông công nhân như dệt may, ông Trần Như Tùng - chủ tịch Dệt may Thành Công - cho biết mọi năm kinh doanh tốt hơn giúp người lao động có mức lương thưởng cuối năm khấm khá hơn.
Năm nay kinh doanh khó khăn nhưng doanh nghiệp khẳng định vẫn lo chu toàn cái Tết cho công nhân, tối thiểu là phải có lương tháng 13 cho hơn 7.000 công nhân. Ngoài ra, các công nhân cũng sẽ có một khoản thưởng thêm tùy theo tiêu chí, năng lực, song ông Tùng cho hay bình quân các công nhân sẽ có lương thưởng dịp cuối năm bằng khoảng 1,5 tháng lương (năm ngoái thưởng từ 2,5 - 3 tháng lương).
"Để có được mức phúc lợi như thế thì công ty cũng phải gồng mình, nhưng không thể nào không thưởng. Thực lòng cuộc sống người lao động sau dịch đã khó rồi, Tết nhất không có tiền nữa thì rất chật vật cho người lao động nên doanh nghiệp phải chia sẻ gánh nặng đó dù rất áp lực dòng tiền. Ngoài ra, doanh nghiệp không hỗ trợ, có thể người lao động sẽ rời bỏ mình nên phải có sự chia sẻ từ hai phía" - ông Tùng bộc bạch.
Nói thêm khó khăn, ông Tùng cho hay dù doanh nghiệp đã làm mọi cách nhưng mức lợi nhuận thu về dưới 50% kế hoạch, song không vì thế mà lơ đi lương thưởng của công nhân, công ty dự kiến chi tiền thưởng Tết khoảng 100 tỉ đồng. Theo ông Tùng, đơn hàng 2022 đã ổn định đến giữa năm, do đó nếu sản xuất thuận lợi thì phúc lợi 2022 sẽ quay về như cũ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Khu công nghệ cao TP.HCM cũng cho biết báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp tại đây vẫn nỗ lực duy trì lương, thưởng và các phúc lợi cho người lao động. Trong đó, khoản thưởng Tết cao nhất TP.HCM là gần 1,3 tỉ đồng/người thuộc về doanh nghiệp FDI trong khu công nghệ cao này.
NGỌC HIỂN
Hàng trăm doanh nghiệp than khó thưởng Tết
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn ở mức bình quân hơn 8,8 triệu đồng/người. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước thưởng hơn 7,5 triệu đồng/người, khu vực doanh nghiệp dân doanh thưởng hơn 7,6 triệu đồng và khối doanh nghiệp FDI thưởng hơn 8,9 triệu đồng/người.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM từ 1.012 doanh nghiệp về mức thưởng Tết Nguyên đán trung bình là 8,8 triệu đồng/người. Nhưng có đến 508/1.012 doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Khảo sát cũng cho kết quả, xét về lĩnh vực ngành nghề, doanh nghiệp điện, điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, mỹ phẩm, công nghệ thông tin, bất động sản có mức thưởng cao hơn so với mặt bằng chung.
Đồng Nai: mức thưởng bằng hoặc thấp hơn năm trước
Bà Nguyễn Thị Như Ý - chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - cho biết qua nắm sơ bộ, một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động trên địa bàn cho biết sẽ cố gắng giữ mức thưởng Tết tương đương với năm trước.
Điển hình như Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là một trong những doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết sớm nhất ở Đồng Nai. Đại diện tập đoàn cho biết trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh khó khăn nhưng đơn vị vẫn cố gắng thưởng Tết 1 tháng lương cho khoảng 67.000 lao động.
Qua đó, vừa thể hiện sự coi trọng những đóng góp của người lao động cho công ty, vừa tạo động lực giữ chân người lao động ở lại làm việc. Hơn nữa, khi dịch bệnh ập đến, người lao động phải nghỉ việc nhiều tháng cũng hết sức khó khăn, công ty cố gắng thưởng Tết, chăm lo cho anh chị em công nhân cũng là để chia sẻ những khó khăn, có một cái Tết sum vầy hơn.
Tương tự, Công ty TNHH Changshin VN (huyện Vĩnh Cửu) cũng giữ nguyên mức thưởng so với năm rồi. Cụ thể, ngoài 1 tháng lương cơ bản, mỗi năm làm việc tại công ty người lao động sẽ được thưởng thêm 5% lương cơ bản. Chị Hồng Thắm - công nhân Nhà máy Changshin ở huyện Long Thành - cho biết chị làm ở công ty được 4 năm nên được thưởng 120% lương cơ bản, tương đương khoảng 6 triệu đồng.
"Dịch bệnh mình khổ, công ty cũng khó khăn nhưng vẫn lo được cho mình như vậy là mừng lắm rồi" - chị Thắm chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội Đồng Nai, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cho người lao động. Trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp đưa ra mức thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, chủ yếu khoảng 1 tháng lương/người.
A LỘC
Công ty TNHH Harada Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã hoạt động ổn định sau dịch - Ảnh: B.A.
Bình Dương: người lao động được ứng lương tiêu Tết
Theo khảo sát sơ bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số lượng người lao động sẽ ở lại dịp Tết Nguyên đán dự kiến sẽ cao, khoảng 500.000 người.
Năm nay, bình quân các doanh nghiệp tại Bình Dương thưởng từ 1 - 1,2 tháng lương. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số doanh nghiệp lớn ngoài trả lương và thưởng theo kế hoạch còn cho người lao động ứng trước lương để chi tiêu dịp Tết.
Đại diện công đoàn Công ty giày Thái Bình cho biết công ty này có trên 14.000 công nhân, để động viên người lao động nên ngoài các chính sách hỗ trợ thời gian xảy ra dịch bệnh, lãnh đạo công ty còn quyết định cho công nhân ứng trước 50% lương dịp Tết.
Một số công ty lớn khác như Công ty TNHH Shyang Hung Cheng có 8.000 công nhân và Công ty TNHH Hài Mỹ có gần 6.500 công nhân cho ứng 100% lương, Công ty TNHH Chí Hùng có gần 9.000 công nhân cho ứng 75% lương...
BÁ SƠN
Đà Nẵng: ngành công nghệ thưởng cao
Mức thưởng Tết Nhâm Dần cao nhất tại Đà Nẵng lên tới con số kỷ lục 1,43 tỉ đồng/người. Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội TP Đà Nẵng, đây là mức thưởng thuộc về một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sở dĩ có mức thưởng cao bởi ngành công nghệ thông tin của tỉnh với tốc độ tăng trưởng gần 10,5%, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành ước đạt 8.641 tỉ đồng, tăng hơn gần 769 tỉ đồng so với năm 2020.
TẤN LỰC
Bà Rịa - Vũng Tàu: chỉ mong bằng những năm trước
Những năm trước, vào đầu tháng 12 các doanh nghiệp đã có báo cáo gửi ngành chức năng thông báo về mức thưởng Tết cho người lao động của mình. Tuy nhiên, năm nay đến ngày 1-1-2022, một lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đến nay sở chưa nhận được báo cáo này. Mặc dù chưa có báo cáo chính thức nhưng chuyện thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cho người lao động có thể chỉ mong bằng những năm trước.
Ông Trần Văn Dũng - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến XNK tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết năm nay khoảng 600 lao động của doanh nghiệp này được thưởng Tết 1 tháng lương - khoảng 10 triệu đồng.
Theo ông Dũng, giữa năm 2021 doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng đến quý 4 công ty đã "kéo" lại được vì mở cửa sản xuất. Lúc này công ty tăng gấp đôi sản lượng sản xuất để bù lại những tháng ngừng hoạt động do dịch. Nhờ đó, công ty mới cố gắng xoay xở được mức thưởng Tết 2022 bằng với những năm trước.
ĐÔNG HÀ
TTO - Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh với mức 400 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất là 300.000 đồng/người.