vĐồng tin tức tài chính 365

VN-Index cẩn trọng với lực cản nào trong năm 2022?

2022-01-03 06:18

Thị trường sẽ nhạy cảm với nguồn cung cổ phiếu lớn 

Tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường dự báo dao động trong khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên (tăng 36% so với năm trước).

Nhóm phân tích này nhận định, thị trường có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).

Thông tin có thể xem là tiêu cực trong năm 2022 là lạm phát. Mặc dù VDSC dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng rủi ro về lạm phát vẫn là yếu tố cần theo dõi. Điểm tiêu cực thứ hai là xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc-xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng là điểm ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán trong nước.

Một yếu tố cũng được VDSC đánh giá tác động xấu đến thị trường chứng khoán năm 2022 đó là sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn của VN-Index (2019 là một ví dụ). Do đó, trên kịch bản tiêu cực, thị trường sẽ phải đối mặt áp lực lớn hơn nếu lực lượng nhà đầu tư "F0" không mạnh mẽ như năm 2021.

Về kết quả kinh doanh, tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các lĩnh vực, và thậm chí sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Dòng tiền đầu tư sẽ có sự luân chuyển và phân hóa giữa các ngành/ cổ phiếu. Do đó, khả năng xác định thời điểm giải ngân và lựa chọn đúng cổ phiếu (stock-picking) có thể sẽ mang lại hiệu suất đầu tư tốt hơn. Những doanh nghiệp có thể hồi phục nhanh nhờ các gói hỗ trợ kinh tế và cầu tiêu dùng, cũng như bắt nhịp được sự thay đổi hành vi khách hàng sau đại dịch là những doanh nghiệp được ưa thích.

Lãi suất điều hành theo phân tích vĩ mô sẽ không có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy, Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn và lãi suất để phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy theo nhu cầu. Tiền gửi sẽ được thúc đẩy bởi lưu thông.

Vì vậy, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng nhẹ so với 2021 nhưng vẫn thấp so với năm 2015 - 2019. Hơn nữa,VDSC đã thấy giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Do đó, CTCK này hy vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.

VN-Index vẫn được kỳ vọng vượt qua 1.700 điểm

Nhìn tổng thể năm 2022, nhiều công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định khá tích cực. Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) kỳ vọng VN-Index có thể tiến xa hơn, lên gần 1.800 điểm, dựa trên P/E 17 lần năm 2022. Thanh khoản mạnh có thể duy trì ít nhất đến 6 tháng đầu năm 2022 và cũng có thể là trong nửa cuối năm 2022 nhờ dòng tiền khối ngoại quay lại. MBKE đánh giá điều kiện để dòng vốn ngoại quay lại là Chính phủ có thể kiềm chế lạm phát để đảm bảo triển vọng tăng trưởng ổn định của Việt Nam sau năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng VN-Index đạt 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định gồm kỳ vọng P/E của VN-Index vào khoảng 16,0 - 16,5 lần vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó là kỳ vọng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HoSE sẽ tăng trưởng 23% và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1,4%.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021. Dự báo trên dựa trên dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E khoảng 16 lần.

Nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 - 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021. VCBS đánh giá thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn - nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dù VCBS kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư nội có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022, nhưng phần nào đó vẫn sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021. Cùng với đó, sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi./.

Xem thêm: lmth.96290000042210202-2202-man-gnort-oan-nac-cul-iov-gnort-nac-xedni-nv/nv.semitaer

Comments:0 | Tags:No Tag

“VN-Index cẩn trọng với lực cản nào trong năm 2022?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools