Đúng như biệt danh "Vua hàng hiệu" mà công chúng đặt cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn, vị doanh nhân sáng lập Tập đoàn IPPG đi lên từ việc kinh doanh, phân phối hàng hiệu trong các cửa hàng miễn thuế ở các sân bay, cho tới nhượng quyền F&B, dịch vụ hàng không, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảnh kinh doanh có phần khá truyền thống này, những năm trở lại đây IPPG đã bắt đầu đầu tư khá nhiều vào ngành công nghệ.
Đơn cử như việc ra mắt thương hiệu eDiGi - mô hình cửa hàng Apple đạt chuẩn APR, hay việc đầu tư nhiều hub AI khắp cả nước. Đó chỉ là một trong rất nhiều hoạt động hướng đến phát triển sâu mảng công nghệ mà IPPG hướng đến.
Trong buổi chia sẻ nhân dịp đầu năm với CafeBiz, Chủ tịch IPPG - Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết ông muốn ươm mầm, phát triển những tài năng AI, trang bị kỹ năng, kiến thức AI để thế hệ trẻ được hội nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao thời đại công nghệ 4.0 trên toàn cầu trong tương lai.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, IPPG đã đầu tư mua bản quyền từ nước ngoài và hợp tác với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh để phát triển Chương trình giáo dục, đào tạo AI-Robotic cho học sinh từ mẫu giáo mầm non đến cấp 3 và Sinh viên Đại học.
Đến tháng 4/2021, IPPG hợp tác và tài trợ cho Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (VNU-HCM) khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo (AIC), nằm trong khuôn viên VNU-HCM diện tích 3.000m2, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị, công cụ học tập hiện đại đạt chuẩn quốc tế. AIC là Trung tâm đào tạo trí tuệ nhân tạo cho K12 (từ lớp 1 đến lớp 12) đầu tiên tại khu vực phía Nam với tài liệu được Đại học Quốc gia TP.HCM Việt hóa và điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục tại Việt Nam.
AIC được giảng dạy theo hướng tiếp cận STEM/STEAM (mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engneering) và toán học (Mathematic) vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể, nhằm kích thích tình yêu khoa học - công nghệ của học sinh, sinh viên Việt Nam.
"IPPG đã tài trợ cho Đại học Đà Lạt (DLU) Tỉnh Lâm đồng thành lập Trung tâm giáo dục, đào tạo trí tuệ nhân tạo (AIC) dự kiến sẽ khai trương và đi vào hoạt động trong tháng 1/2022, tiếp theo IPPG sẽ triển khai AIC tại Đại học Lạc Hồng (Tỉnh Đồng Nai), TP. Hà Nội và các Tỉnh thành lớn nằm trong chuỗi chiến lược phát triển giáo dục AI của IPPG trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025).
Dự kiến, IPPG sẽ phối hợp các Trường Đại học, các cơ sở giáo dục thành lập thêm nhiều trung tâm AI và triển khai lắp đặt 1.000 AI Lab với mục tiêu đào tạo AI cho hơn 2 triệu học viên mỗi năm".
Theo ông Hạnh Nguyễn, công nghệ là một phần quan trọng trong việc nắm bắt xu hướng hiện tại, tối ưu và minh bạch hóa kinh doanh. Do đó, Tập đoàn đã mạnh tay đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, hệ thống kế toán phân tích dữ liệu và bán lẻ thông minh.
Với thuận lợi là nhà phân phối độc quyền hơn 108 thương hiệu, định hướng phát triển tiếp theo của công ty sẽ là kinh doanh thương mại điện tử, việc ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu chính hãng được kỳ vọng sẽ giúp IPPG phát triển hơn về mảng bán lẻ trong 10 năm tới.
Hiếu Nguyễn - con út của "Vua hàng hiệu"
Cũng trong buổi trò chuyện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn tiết lộ người con út - Hiếu Nguyễn đang là người nhận nhiệm vụ phát triển mảnh công nghệ trên. Chàng trai sinh năm 1999 vừa tốt nghiệp Quản trị kinh doanh tại London, hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách IPPTech, Edigi, các lĩnh vực công nghệ và AI, logistics, cũng như mảng Air Cargo và các dự án thành phố thông minh của Tập đoàn.
http://tintuc.vdong.vn/01/1164567.htmHoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị